Trong danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có tên của cô giáo Nàng Xô Vi - Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai, Kon Tum. Nàng Xô Vi mới 25 tuổi, ở bản làng Đák Mế, xã Pờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Vi là người dân tộc Brâu đầu tiên trúng cử vị trí này.
Chia sẻ với báo chí, Vi cho biết: Em biết ơn ân tình của những người dân bản làng Đák Mế - những người đã góp từng gói bột ngọt, chai dầu gội, thậm chí là đi ký nợ để em được đi học.
Ngày trước, ở tuổi 15 - 16, khi các bạn đồng trang lứa đã lấy chồng, sinh con, Vi quyết định phải tiếp tục đi học. Quyết tâm ấy bắt nguồn từ cảm giác rất đau khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình trong làng, hay cảnh những đứa trẻ bồng bế nhau do sinh đẻ quá nhiều. Cô mong muốn được bước ra khỏi cánh cổng làng để đi ra bên ngoài và xem thế giới ngoài kia. Em nói ước mơ này với bố, nhưng bố em khuyên học đến lớp 9 là được rồi, sau này kiếm được ai đó trong làng mà lấy. Cô bé quyết không đồng ý và xuống gặp bác trưởng thôn bày tỏ nguyện vọng được đi học.
Đó là những ngày giữa tháng 7, Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum đã ngừng tuyển sinh. Nhưng bác trưởng thôn vẫn dắt Vi xuống Sở GDĐT tỉnh Kon Tum để nộp hồ sơ xin học. “Cháu có hứa mình sẽ không bỏ học không?”- vị cán bộ của Sở GDĐT hỏi. Cô bé 15 tuổi khi ấy dù nói tiếng Kinh chưa rành, nhưng vẫn gật đầu xin hứa. Và hồ sơ của Vi được chấp nhận.
Rồi cũng lại cũng chính là dân làng giang tay giúp đỡ Vi trên con đường học vấn tiếp theo. Khi nhận được giấy báo đỗ đại học, trước ngày nhập học, Vi vẫn đắn đo có nên tiếp tục theo đuổi giấc mơ này hay không. Bởi tiền học sẽ là gánh nặng lớn đối với gia đình. Thế nhưng, em lại may mắn vì có sự đồng hành của dân làng.
Trước ngày lên đường nhập học, bác trưởng thôn kêu gọi tất cả mọi người trong bản, nói: “Giờ bản làng ta có một cháu đỗ đại học. Cháu sẽ là người đầu tiên mang ánh sáng về cho bản mình”. Sau lời kêu gọi ấy, người góp gạo, người góp chén bát, người mang bột ngọt, thậm chí còn ký nợ dầu gội đầu, nước mắm,… cả thảy đựng đầy hai bao lớn để Vi làm hành trang lên đường.
“Tháng 7, tháng 8 là mùa mưa, các cô bác không làm gì ra tiền, nhưng tất cả đều chung sức để cho em được đi học. Thậm chí, có những cụ bà chỉ có vài đồng 1.000 - 2.000, họ đã giữ rất lâu, nhưng cũng đều lấy ra cho em làm lộ phí lên đường. Em cảm thấy mình quá may mắn khi được dân làng yêu thương”- Nàng Xô Vi tâm sự.
Nhận được quá nhiều giúp đỡ của bà con nên Vi cũng muốn làm được một điều gì đó cho quê hương. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, dù được Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhận làm giáo viên thỉnh giảng, nhưng khi tỉnh Kon Tum tổ chức thi viên chức, Vi vẫn quyết định quay trở về. Cuối cùng, Vi đỗ vào chính ngôi trường nội trú tỉnh mà trước đây mình học.
“Em mong muốn mình sẽ trở thành tấm gương cho các em học sinh, giúp các em ý thức được rằng, không có gì quan trọng bằng việc học. Học chính là ngọn đèn soi sáng tương lai của mình. Dù có thể không trở thành ông nọ bà kia, nhưng nhờ con chữ, mình cũng có thể thay đổi cuộc sống hiện tại”- Xô Vi nói.
Nhận được tin trúng cử đại biểu Quốc hội, Vi nói, em biết ơn khi được người dân địa phương tín nhiệm, nhưng đây cũng là trách nhiệm nặng nề với bản thân em khi tuổi vẫn còn khá trẻ.
Trên địa bàn Vi sinh sống có hơn 34 dân tộc anh em. Do đó, mối quan tâm lớn nhất của em là đưa đến nghị trường Quốc hội vấn đề giáo dục; hướng nghiệp cho thế hệ thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy bình đẳng giới.
Vi kể, ở huyện nơi mình sinh ra, nhiều học sinh lớp 5, lớp 6 đã bỏ học. Trai gái 15 - 16 tuổi đã “theo nhau” kết hôn. Vì thế, điều Vi mong muốn là thay đổi nhận thức của người dân về việc đưa tri thức vào đời sống. Phải thay đổi từ tri thức rồi mới đi đến thực hiện hành động và việc làm thực tế. Điều này rất cần đến sự thay đổi của giáo dục, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.