Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023 ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục của ngành hàng này từ trước đến nay.
Có được thành quả này, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong ngành, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và không thể thiếu sự đồng hành của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Với đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2023, kim ngạch XK rau quả năm 2024 dự kiến đạt khoảng 6 tỷ USD.
Đề cập đến tiềm năng xuất khẩu (XK) rau quả trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, tiềm năng lợi thế về rau quả rất lớn, trong đó có sầu riêng. Diện tích sầu riêng 112.000ha với khoảng 840.000 tấn nhưng mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60.000ha, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm tới sẽ được thu hoạch. Bên cạnh đó, nếu thời gian tới Nghị định thư XK sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được hoàn tất, giá trị XK sầu riêng sẽ tăng lên. Năm 2023 XK sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, giá trị rất lớn. Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối cũng như thống nhất kiểm dịch, cắt giảm thủ tục hành chính và làm rõ được mã vùng rồng, mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cơ hội thị trường rộng mở, trong nước người nông dân ngày càng biết cách trồng theo hướng nông nghiệp tốt, VietGAP, chất lượng tăng… đây cũng chính là lợi thế để ngành rau quả bứt tốc hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số tỷ USD. Tuy nhiên, tăng kim ngạch XK rau quả đồng nghĩa với việc các DN sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ hơn từ phía nước nhập khẩu. Do đó, các DN XK cần tuân thủ quy định, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt tuân thủ quy định về quản lý an toàn thực phẩm.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam nhận định, năm 2023 mới là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ đón được mở cửa.
Ông Tiến cho hay, cơ hội XK rau quả sang thị trường Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng khi mới đây, Bộ NNPTNT (Việt Nam) và Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi XK từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư là bước thúc đẩy XK chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống này của Việt Nam. Để rau quả Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào các thị trường, cần hoàn thiện khâu quản lý DN, quy trình sản xuất, phối hợp trong chuỗi liên kết… những ngành hàng đã rút ra được các bài học và năm sau có thể có thể chiếm lĩnh thị trường.
Để tạo đà cho DN nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rất cần sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là XK chính ngạch. Cùng đó, tăng cường truyên truyền hướng dẫn người sản xuất, DN nâng cao chất lượng sản xuất rau quả thông qua thực hành nông nghiệp GAP, nông nghiệp tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là dư lượng hoá chất trong sản phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Liên quan đến phát triển vùng trồng, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu; trong đó, chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, EU..., góp phần giữ vững và mở rộng thị trường XK cho nông sản của Việt Nam.