Để các loại trái cây, rau quả sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... một cách “thuận buồm xuôi gió”, các DN, nhà sản xuất cần phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm...
Sau vải, nhãn, chôm chôm, trái xoài tươi lại chinh phục thị trường thế giới.
Nhãn, vải thiều, chôm chôm… đã có cơ hội chinh phục nhiều thị trường trên thế giới. Ngày 16/9 vừa qua, Nhật Bản cũng đã chính thức khẳng định, sẽ sớm mở cửa thị trường để trái xoài tươi và thanh long ruột đỏ của Việt Nam có thể bước chân vào thị trường này. Như vậy, đến thời điểm này, nhiều loại trái cây Việt đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính trên thế giới, khẳng định thương hiệu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Yoichi Miyazawa hôm 16-9 -2015 tại trụ sở Bộ METI.
Tại buổi gặp gỡ này, hai Bộ trưởng đã cùng nhau trao đổi các vấn đề liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Bên trong thời gian tới.
Đặc biệt, riêng với vấn đề thương mại hàng nông sản, Bộ trưởng METI - ông Yoichi Miyazawa khẳng định: “Nhật Bản sẽ sớm mở cửa thị trường cho xoài tươi của Việt Nam theo yêu cầu của Việt Nam” đồng thời ông Yoichi Miyazawa cũng cho biết, sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản về đề nghị của Việt Nam nhằm thúc đẩy mặt hàng nông sản và cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam trong thời gian tới.
Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có hàng loạt trái cây của Việt Nam chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, 2 tấn nhãn đầu tiên của Việt Nam cũng đã được thị trường Mỹ rộng cửa chào đón.
Lùi thời gian về trước nữa, năm 2008 là năm đầu tiên trái thanh long của ta chính thức đặt chân sang thị trường Mỹ. Từ thời điểm đó, sản lượng thanh long xuất khẩu sang thị trường này không ngừng gia tăng, từ 100 tấn hồi năm 2008 đã tăng lên hơn 1.000 tấn tính đến hết năm 2014. “Nối gót” trái thanh long, chôm chôm của Việt Nam cũng rục rịch xâm nhập sang thị trường Mỹ bắt đầu từ tháng 11/2011.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, sản lượng chôm chôm xuất khẩu vẫn giữ ở mức ổn định trong những năm qua. Và trong năm 2015 này, vải thiều, nhãn cũng đã được Mỹ và Australia tạo cơ hội để hai loại trái cây này tiến sâu vào hai thị trường khó tính nói trên. Và gần đây nhất, như đã thông tin, ngày 16/9/2015, Nhật Bản đã chính thức khẳng định, sẽ mở cho trái xoài tươi của Việt Nam thâm nhập vào thị trường này, tiếp đó sẽ là trái thanh long ruột đỏ.
Tuy nhiên, các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… là những thị trường rất nghiêm ngặt về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm trái cây của Việt Nam vẫn chủ yếu được sản xuất theo phương thức canh tác nông hộ, tự phát, chưa theo một quy trình để đảm bảo an toàn sản xuất từ khâu đầu cho đến khâu thu hoạch.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính), hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300 nghìn tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra còn có hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ như sấy vải, nhãn… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến rau quả không đủ nguyên liệu sản xuất, công suất thực tế trung bình chỉ đạt khoảng 30%. Rau quả chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 10% và chủ yếu gồm các loại như đóng hộp, đông lạnh, pure, cô đặc, nước quả, chiên sấy, muối…
Theo vị chuyên gia này, tính đến nay, diện tích rau quả được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap,...) hoặc theo hướng an toàn ở Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan luôn là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đây chính là một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Bởi vậy, chuyên gia Phạm Minh Thụy cho rằng, để khắc phục những bất cập nói trên đối với vấn đề xuất khẩu rau quả, trái cây Việt, trước hết, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp về giống, kỹ thuật thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGap, GlobalGap), quản lý tốt vật tư, nguyên liệu đầu vào… để tăng năng suất, chất lượng và quan trọng là đảm bảo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng đã nhiều lần cảnh báo, để các loại trái cây, rau quả sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... một cách “thuận buồm xuôi gió”, các DN, nhà sản xuất cần phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phải kiểm dịch thực vật bằng những biện pháp như chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng…
Đồng thời phải tổ chức sản xuất, quy hoạch thành vùng chuyên canh lớn có hệ thống truy suất nguồn gốc... tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.