Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng giải thưởng văn học năm 2016 cho 7 tác giả với 7 tác phẩm. Ở loại hình văn học dịch, tiểu thuyết “Lâu đài sói” của nhà văn Hilary Mantel đã được vinh danh. Nhân dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan - dịch giả của “Lâu đài sói”.
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan.
PV: Thưa, vì sao ông lại lựa chọn dịch tác phẩm “Lâu đài sói” của nhà văn Hilary Mantel?
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Tiểu thuyết “Lâu đài sói” là câu chuyện về nước Anh thế kỷ 16 đang đứng trên bờ vực một thảm họa.
Tiểu thuyết gây ấn tượng với tôi đó là những câu chuyện đề cập đến vấn đề cải cách về xã hội, chính trị ở nước Anh. Đây được xếp là một trong những cải cách sớm nhất ở các phương Tây.
Khi nhận được tin tác phẩm nhận nhận hàng loạt giải thưởng như Giải Man Booker Prize năm 2009; Giải National Book Critics Circle Award cho thể loại giả tưởng năm 2009; Giải Walter Scott Prize cho thể loại lịch sử hư cấu năm 2010; Giải The Morning News năm 2010, tôi có tìm cách xin để dịch lại tác phẩm này.
Và khi nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016 tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi không nghĩ tác phẩm đã nhận được sự quan tâm rộng rãi đến như vậy. Bởi với một tác phẩm lịch sử về thời trung cổ, khá dày hơn 600 trang rất khó cuốn hút bạn đọc ở Việt Nam.
Nhưng có lẽ thành công của tác phẩm ở chính tài năng của tác giả - nhà văn Hilary Mantel.
Mặc dù là một tác phẩm lịch sử nhưng tác giả đã truyền tới độc giả những cảm xúc rất mạnh. Đặc biệt, điểm nhấn chính là viết khi nói các mối quan hệ về gia đình, bạn bè, thân hữu… đã thực sự làm lay động người đọc.
Ở đó, tác phẩm đã hướng người đọc đến cách nhìn về lòng bác ái của con người với xã hội xung quanh.
Ông có kỳ vọng gì đến sự phát triển của văn học lịch sử Việt Nam hiện nay?
Tôi nghĩ sự tác động là khó rõ ràng. Bởi ngay những nhà chuyên môn là Hội đồng dịch và Hội đồng chung khảo Hội Nhà văn cũng đánh giá đây là một trong những tiểu thuyết lịch sử xuất sắc của thế giới.
Cho nên hiển nhiên tác phẩm sẽ những đóng góp và tác động rất lớn tới dòng văn học lịch sử của Việt Nam. Ở đó, tác phẩm đã hướng cho tác giả cách tiếp cận với sử liệu, cách kể về sự kiện, nhân vật lịch sử.
Theo tôi, đây cũng là một gợi ý rất lớn cho văn học lịch sử của Việt Nam hiện nay. Bởi lịch sử Việt Nam cũng vô cùng phong phú với rất nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn.
Tôi hy vọng cuốn tiểu thuyết “Lâu đài sói” sẽ là một gợi ý rất tốt về cách tư duy khi phục dựng lại lịch sử, xây dựng con người lịch sử như đang sống trong thời hiện đại…
Trân trọng cảm ơn ông!