Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng thực sự, là dịp để sàng lọc những người coi cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn”. Đây chính là cơ hội để sau sàng lọc sẽ còn lại cán bộ tốt, có năng lực. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là việc đánh giá phải khách quan chứ không phải là lợi dụng tình thế để tìm cách gạt họ ra khỏi hệ thống.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư yêu cầu, thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất; có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Nói như PGS.TS Lê Minh Thông - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thì quyết tâm tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả có thể xem là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân bước vào một công cuộc mới.
Tuy nhiên cùng với tâm tư của bộ phận cán bộ dôi dư thuộc diện sắp xếp, tinh gọn thì điều còn quan trọng hơn chính là phải chọn lựa được một đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực. Đây là công việc rất khó khăn vì “miếng võ quy trình” trong bổ nhiệm, sắp xếp vẫn tồn tại như một nỗi ám ảnh. Quy trình cán bộ nhiều khi đã bị lợi dụng để gạt những người “không cùng cánh”, “không cùng lợi ích”, cuối cùng chỉ còn lại “phe ta”. Những người dù đủ đức, đủ tài đảm đương và làm tốt công việc nhưng không biết “tranh thủ cấp trên”, không biết “tạo vây cánh”, những người không chịu “chạy”, không biết “chạy” sẽ lại chính là đối tượng bị tinh giản trước tiên. Sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy có khi còn yếu hơn vì nhiều cán bộ còn lại chỉ là những người đúng ra phải bị đưa ra khỏi guồng máy do sự yếu kém của chính bản thân họ.
Đây là thực tế từng diễn ra ở nhiều nơi khi tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiều người đủ năng lực, phẩm chất đã bị gạt ra, còn những đối tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp về” vẫn yên vị, “hưởng lộc”.
Công tác cán bộ là gốc của vấn đề. Nhưng nếu không làm tốt, khách quan, minh bạch thì hậu quả sẽ vô cùng nguy hại. Theo GS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, muốn đạt hiệu quả thì cần gắn trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ; tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác này.
Yêu cầu đầu tiên và cũng là cuối cùng khi đánh giá cán bộ là phải thực chất, thực người, thực việc, không thể áp dụng cách đánh giá chung chung, cảm tính, “cánh hẩu”, né tránh khi người đó thuộc diện “con ông, cháu cha”. Chính điều đó đã tạo ra bộ máy cồng kềnh, đông nhưng không mạnh suốt những năm qua, khi mà nói đến tinh giản biên chế vẫn có không ít người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương né tránh và ngụy biện là rất nan giải vì đó là vấn đề con người (!).
Cần phải mạnh dạn, sòng phẳng đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín thì mới “có chỗ” cho người đủ năng lực. Ai không làm được việc phải ra khỏi bộ máy để chấm dứt tình trạng làm việc cầm chừng, nửa vời, tệ hại hơn còn ngáng trở công việc của người khác.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; người trực tiếp làm công tác cán bộ không thể không biết ai đủ năng lực, ai yếu kém. Vì thế nếu che chắn “không trong sáng” cho “cánh hẩu”, lợi dụng sắp xếp, tinh giản để gạt cán bộ tốt ra ngoài thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Được trao quyền để làm việc đúng đắn, làm việc tốt chứ không phải là lạm quyền làm việc xấu. Ở đây vấn đề rất quan trọng chính là giữ được người tốt, người tài sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Lần sắp xếp này được cho là cơ hội để sàng lọc thì không được để cơ hội trôi qua.