Cơ hội lớn để phát triển và đổi mới

Dương Thanh Tùng 12/11/2017 06:30

Ngày 11/11, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Trong khuôn khổ Hội nghị, có các phiên họp kín xoay quanh chủ đề của APEC 2017 do Việt Nam khởi xướng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Tại các phiên họp, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên cùng bàn bạc, thảo luận, thống nhất nhiều nội dung nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững, liên kết khu vực, vun đắp tương lai chung: Hòa bình, ổn định, phát triển và th


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN.

APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng

Phát biểu khai mạc phiên họp kín thứ nhất các nhà lãnh đạo APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu bật những thành quả phát triển nhanh chóng cùng các thách thức lớn của APEC hiện tại và tương lai. “Cách đây đúng 1/4 thế kỷ, các nhà lãnh đạo tiền bối của chúng ta đã họp mặt lần đầu tiên tại Blake Island, Hoa Kỳ với mong muốn xây dựng một nền tảng kinh tế mới cho châu Á-Thái Bình Dương. 25 năm qua, thế giới và khu vực có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế, quan hệ quốc tế và tương quan lực lượng. Song, với định hướng chiến lược là lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng, xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư làm trọng tâm chúng ta có thể hài lòng với những kết quả đã đạt được” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế, thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xử lý các thách thức cấp bách toàn cầu. Các mục tiêu Bogor về mở cửa, tự do hóa về thương mại và đầu tư, việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, các chiến lược, chương trình về tăng trưởng, kết nối đã trở thành định hướng dài hạn cho hoạt động của APEC, mở ra hàng trăm lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới đã và đang đáp ứng kịp thời những nhu cầu mới đặt ra trong kỷ nguyên số.

Triển vọng, tương lai của APEC cũng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập: Chỉ trong vòng 1 năm, kể từ cuộc họp lần trước tại Peru, chúng ta đã chứng kiến những bước chuyển nhanh và phức tạp hơn so với dự báo, tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Sau đúng 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi và tiếp tục điều chỉnh trước những biến đổi sâu sắc. Song, liên kết kinh tế ở khu vực đang gặp trở ngại do những bất định toàn cầu về thương mại tự do và mở cửa. Mặc dù vậy, kinh tế thế giới đã khởi sắc hơn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội to lớn chưa từng có cho phát triển và đổi mới. Những thỏa thuận toàn cầu, nhất là chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 có ý nghĩa lịch sử, định hướng dài hạn cho thúc đẩy hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững.

Bối cảnh đó đòi hỏi APEC phải khẳng định và phát huy vai trò tiên phong trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng thương mại, đầu tư, kết nối cũng như cách thức để người dân được thụ hưởng đồng đều từ quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đóng góp và tạo dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên lớn
Tại các phiên họp kín trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, xoay quanh chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”; Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên lớn là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ưu tiên do Việt Nam đề xuất nhằm đáp ứng nhu cầu chung về khôi phục đà tăng trưởng, liên kết sâu rộng ở khu vực, hoàn tất các Mục tiêu Bogor cũng như thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.

Thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được khẳng định qua Tuyên bố chung gồm 67 điểm của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 (họp vào ngày 8/11) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ngoài cam kết thực hiện các mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở tại khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế đã thống nhất có các biện pháp cụ thể hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu Bogor vào năm 2020. Về Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); các Bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế nhằm triển khai Tuyên bố Lima về FTAAP khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục có những tiến bộ trong việc thúc đẩy Tuyên bố Lima về FTAAP và xây dựng các chương trình công tác nhiều năm nhằm tăng cường hơn nữa năng lực của các nền kinh tế APEC tham gia vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện trong tương lai.

Hội nghị cuối cùng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng thực hiện Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch Năm APEC 2018 cho Papua New Guinea.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội lớn để phát triển và đổi mới