Những người có thu nhập bình thường rất khó mua nhà bằng tiền tích lũy vì giá nhà đất tăng, nguồn cung thiếu hụt. Chưa bao giờ giấc mơ nhà ở của người nghèo lại xa vời đến thế.
Giá nhà, giá đất tăng phi mã
Theo báo cáo từ CBRE, giá bán bất động sản (BĐS) trung bình trong năm nay được dự đoán là sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể tại Hà Nội, số liệu từ Bộ Xây dựng chỉ ra rằng giá căn hộ và nhà ở riêng lẻ có thể tăng tới 1,02% và 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định: “Xu hướng tăng giá nhà tại Việt Nam là do thiếu hụt nguồn cung. Dự án bình dân đã bị đẩy từ 20 – 28 triệu/m2, ngang ngửa với phân khúc cao cấp, điều này mang lai khó khăn cho những người nghèo”.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng nhấn mạnh: “Từ giờ đến cuối năm không có dự án nào mới, vì vậy nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là đang ở thời kì "dân số vàng", dẫn tới nhu cầu an cư của các gia đình trẻ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hà Nội và TP HCM đang trong thời kỳ đại hội, vì vậy vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu, ổn định lại bộ máy, chưa đi vào guồng nên nhiều dự án vẫn chưa được phê duyệt. Những mặt hàng được bán ra chủ yếu là từ nguồn cung cũ được rao bán từ trước”.
Bên cạnh đó, theo quy định mới về khung giá đất áp dụng cho 5 năm (2020-2024), khung giá đất ở của hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và mức tối đa lên tới 162 triệu đồng/m2.
Khung giá đất sẽ được sử dụng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, điều chỉnh mức giá đất tối đa trong bảng giá đất. Bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Các chuyên gia cho rằng bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường
Ông Nguyễn Văn Đính nhận định: “Các dự án ở Hà Nội không có nhiều đất nền, vì vậy, đất ở một số vùng ven đô như Hoài Đức, Thạch Thất, Hòa Lạc có xu hướng tăng mạnh; đất thổ cư, đất làng, đất vườn cũng được mang ra giao dịch và giá tăng nhanh. Khu vực quanh TP HCM là Đồng Nai, Bình Dương giá đất tăng do ảnh hưởng của việc thành lập thành phố Thủ Đức”.
Cơ hội nào cho những người nghèo?
Anh Nguyễn Công Văn (33 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Lương của hai vợ chồng chỉ khoảng 22 triệu một tháng. Hiện tại chúng tôi vẫn ở trọ và đang tích góp tiền để mua chung cư. Mỗi tháng cố gắng lắm mới để lại được 12 triệu. Trung bình mỗi năm để được 144 triệu. Như vậy 5 năm nữa, nếu giá nhà tiếp tục tăng thì chúng tôi tôi rất khó mua được chung cư”.
Không chỉ với những gia đình trẻ, nhiều người đã qua tuổi trung niên cũng rất khó mua nhà với giá hiện nay: “Gia đình chúng tôi gồm 4 người đang ở tại khu tập thể Thành Công, nhà đã quá cũ và chật nên chúng tôi muốn bán đi để mua nhà mới. Tuy nhiên giá nhà hiện tại tăng cao, với mức lương hiện tại của hai vợ chồng ở khoảng 20 triệu, cộng thêm tiền bán căn nhà cũ vẫn khó có thể mua một căn nhà ưng ý”, anh Nguyễn Đức Hạnh (49 tuổi, Nam Định) chia sẻ.
Bàn về vấn đề mua nhà của người nghèo, ông Nguyễn Văn Đính nói: “Hiện tại đã mất hẳn phân khúc nhà ở cho người nghèo, cơ hội mua nhà cho những người thu nhập bằng lương, không có kế thừa BĐS hay không có sự giúp đỡ từ thế hệ trước gần như đang ở vực đáy, đây thật sự là thực trạng đáng buồn ở các thị trường BĐS các đô thị lớn. Giá nhà bị đẩy cao lên không tưởng, tình trạng bong bóng, ảo đặc biệt là ở HCM”.
“Bài toán duy nhất có thể cứu người nghèo là các đơn vị tập trung định hướng phát triển nhà ở quay trở lại nhịp độ bình thường, phát triển theo đúng nhu cầu của thị trường, người dân; nguồn cung cho các phân khúc phải được đồng đều”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.