Chăm chỉ tham gia vòng sơ loại giải Oscar, liên tiếp giành giải thưởng tại các LHP quốc tế nhưng nhìn lại, điện ảnh Việt đã có và đang được gì?
Mới đây, bộ phim “Mắt biếc” chính thức được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) gửi đi tham dự vòng loại giải Oscar. Ngành văn hóa đặt kỳ vọng vào bộ phim khi tham dự một giải thưởng danh giá. “Mắt biếc” (tựa tiếng Anh: Dreamy Eyes) là một phim điện ảnh do Victor Vũ đạo diễn, được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim ra mắt vào ngày 20/12/2019 và đã trở thành hiện tượng phòng vé cuối năm 2019 khi thu khoảng 50 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày phát hành. Sau 10 ngày, bộ phim đã đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Đến đầu năm 2020, bộ phim đã vượt mặt “Em Chưa 18” với doanh thu 172 tỉ đồng.
Dù bộ phim được dán nhãn C16 (chỉ dành cho khán giả từ 16 tuổi trở lên) nhưng lượng người xem vẫn rất phong phú. Bộ phim đạt tỷ lệ lấp đầy các phòng chiếu, trung bình là 50% cho một suất chiếu.
Theo đạo diễn Victor Vũ, dự án điện ảnh “Mắt biếc” mất hơn ba năm để thực hiện, từ lúc mua bản quyền nguyên tác năm 2016, phát triển kịch bản, ghi hình, cuối cùng là công chiếu vào tháng 12/2019. Bên cạnh đó, điểm nhấn của bộ phim là phần âm nhạc với bốn bài hát do nhạc sĩ Phạm Mạnh Quỳnh sáng tác, bao gồm “Có chàng trai viết lên cây”, “Từ đó”, “Tôi chỉ muốn nói” và “Hà Lan”.
Đáng chú ý, “Có chàng trai viết lên cây” vốn đã được sáng tác từ năm 2016, và bài hát đã được đổi lời cho phù hợp với bộ phim. Ngoài ra, bộ phim có sáu bài hát thập niên 60, 70, được dùng lại. Nhà soạn nhạc Christopher Wong trực tiếp sáng tác mười trong tổng số 20 bản nhạc nền của phim. Ông và đạo diễn Victor Vũ đã mời dàn nhạc giao hưởng Bulgaria thu âm phần nhạc nền này. Bên cạnh hiệu ứng từ phòng vé, nhiều bối cảnh quay của bộ phim đã trở thành điểm thu hút du lịch.
Có thể nói, “Mắt biếc” đang là ứng cử việc cho những nhà quản lý đỡ phải “đau đầu”. Bởi khó lắm mới có một sản phẩm thuần Việt, khó lắm mới có một bộ phim “ra tiền”. Và dường như ở đơn giản những nhà quản lý nhà nước đang lựa chon bằng sự tính “view”, hay theo số lượng. Đơn cử như trong quyết định cho phim “Mắt biếc” đi thi Oscar, ở điều 3 cho biết Công ty CP Truyền thông và Giải trí Galaxy chịu mọi kinh phí liên quan đến việc gửi phim tham dự Vòng sơ tuyển Giải thưởng Phim truyện quốc tế - Oscar lần thứ 93. Trong khi đó, những bộ phim của các đơn vị nhà nước hưởng lợi hàng tỷ đồng chẳng có sản phẩm nào để ra rạp, nói xa hơn là để đi thi.
Mới thấy, trong việc “kích hoạt” cho ngành điện ảnh vẫn còn nhiều điều phải bàn. Đơn cử như các cuộc Hội thảo về xây dựng cho một LHP quốc gia vẫn còn đó sự “lăn tăn”.
Như nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tiệp bày tỏ: Thực tế cho thấy, quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam là câu chuyện đường dài mà ngành điện ảnh nước nhà cần chú trọng xây dựng từ gốc rễ. Vì thế, quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam tới khán giả trong nước nói riêng và khán giả quốc tế nói chung không phải là chuyện có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều”. Khái niệm “khán giả” không chỉ gồm những người đi xem phim đơn thuần, mà nó còn bao gồm cả những người liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp này như: Những người làm phim, nhà sản xuất, đơn vị phát hành…
LHP chỉ là bề nổi, là kết quả của cả một quá trình phát triển và gây dựng nền điện ảnh trong suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, để quảng bá được thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, cần lật lại và soi chiếu những yếu tố căn bản có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự thành công của tham vọng quảng bá này, chỉ ra thực tế những điều Việt Nam đã làm được, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới và trong khu vực, từ đó đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp.
Mới thấy, lâu nay khâu yếu hàng đầu của điện ảnh Việt được nhận định là kịch bản phim. Rất nhiều phim Việt đã phải mua bản quyền nước ngoài để sản xuất lại, nhằm thu hút công chúng. Vì vậy, việc hãng phim nổi tiếng thế giới mua kịch bản phim Việt để sản xuất là một tín hiệu tốt, một bước tiến mới của điện ảnh Việt Nam. Từ đây, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể tự tin đầu tư những kịch bản, sản xuất phim chất lượng, không chỉ hướng đến thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu với nhiều hình thức, như phim thành phẩm hoặc kịch bản...