Cơ hội nào để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới

Ảnh: Hoàng Long 24/10/2015 11:20

Ngày 24-10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”. GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương đồng chủ trì, với sự tham dự của trên 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những người có mặt trong hội thảo ngày hôm nay đều đến đây với một tâm thế để tập trung vào một đề tài góp phần cho đất nước Việt Nam phát triển như thế nào trong 10 năm, 20 năm tới.

Sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng. Trong 25 năm qua, GDP tăng 30 lần, xuất khẩu 30 năm qua cũng tăng 30 lần giúp Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

Có được thành tựu đó, ngoài sự nỗ lực của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp, các nhà hoạch định nước ngoài, sự hợp tác của quốc gia láng giềng, bạn bè và đối tác chiến lược.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Kết thúc 30 đổi mới (1986 – 2015), bước sang 30 năm phát triển, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong bối cảnh đó, Đảng cộng sản Việt Nam, Chính Phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đang hoạch định chính sách để phát triển đất nước năm 2016 – 2020, hướng đến năm 2030. …. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam có những cơ hội và thách thức nào. Đó là vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghiệp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập. Trong nhiều năm gần đây thế giới đã xem xét Việt Nam trở thành nơi gia công và chế tạo thế giới.

“Chúng ta cần làm rõ Việt Nam có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có điều kiện để tiếp nhận cơ hội hay không. Việt Nam là nơi xuất khẩu hàng công nghiệp và chế biến vì 63% hàng xuất khẩu của Việt Nam là các mặt hàng này. 56% vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Chỉ riêng trong năm 2015, có trên 80% vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này. Đó là một số tín hiệu có thuận lợi” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong bối cảnh này, vì sao các nhà đầu tư lại chuyển dịch nhà máy của mình từ nước này sang nước khác, từ Trung Quốc sang một số nước. Đó là lý do về kinh tế còn lý do về chính trị và lý do về xã hội cần phải tìm hiểu thêm.

“Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp. Một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. Vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu xem, Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề.

Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.

Qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn chưa hình thành được các ngành công nghiệp có tính nền tảng cho nền kinh tế; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tán, manh mún, công nghiệp hỗ trợ còn non yếu. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian gần đây, cùng với những thay đổi về tình hình phát triển của các nền kinh tế hậu khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và sự thay đổi về vị trí và chiến lược của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cho rằng, Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Vì vậy, việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới có ý nghĩa hết sức cấp thiết.

Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, ngành Ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã luôn song hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xứng đáng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế. Cho đến nay, vốn tín dụng ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn từ thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng của đất nước. Phân bổ vốn tín dụng ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thực hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng trước vận hội và bối cảnh phát triển mới của đất nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”. Hội thảo sẽ góp phần cung cấp luận cứ cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng như tầm nhìn Việt Nam 2035. Đây thực sự là hoạt động khoa học thiết thực hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế với các ý kiến tham luận, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMSCHAM Vietnam), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV), Hiệp hội Tony Blair (Anh) Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO)...

Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, sau Hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức xây dựng Bản tổng hợp kiến nghị của Hội thảo với mong muốn có những đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.

Dạ Yến

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội nào để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO