Việc phát huy, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp phát triển đất nước là một nội dung quan trọng của công tác ngoại giao phục vụ phát triển trong nhiều năm qua. Hội thảo kết nối và phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra mới đây đã đặt trúng vấn đề này.
Trong hơn 5,3 triệu kiều bào thì có đến khoảng hơn 500.000 chuyên gia, trí thức, nhà khoa học đang làm việc tại các nước phát triển hàng đầu trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Pháp, Đức. Chính vì thế theo ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những chuyên gia, trí thức, nhà khoa học kiều bào hiện đang công tác tại các viện, trường đại học là nguồn lực to lớn, đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên để việc kết nối có hiệu quả theo ông Nam, cần dựa trên 3 yếu tố là có chính sách; cơ quan đứng ra tổ chức thực hiện; cũng như có các chương trình cụ thể. Như thế mới huy động phát huy được nguồn lực trí thức kiều bào. Do đó càng cần kết nối với đội ngũ kiều bào với trong nước để hỗ trợ các DN trong nước đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, đã có nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo đã bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh được năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều DN, chuyên gia với thời gian làm việc ở nước ngoài cũng đã quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và tạo được những tác động đáng ghi nhận.
Ông Tùng đặt vấn đề rằng: “Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực lên toàn thế giới, tuy nhiên bối cảnh này lại cho thấy thời cơ vàng cho nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo với các giải pháp khác biệt”. Từ đó theo ông Tùng, sự xuất hiện và nổi lên của nhiều các DN khởi nghiệp sáng tạo với các nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng với công nghệ AI, Robot, IoT. Nhiều giải pháp trên được xây dựng và phát triển bởi những doanh nhân, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và có những đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Do đó, kết nối được sự tham gia của đông đảo lực lượng chuyên gia, trí thức, doanh nhân là người Việt Nam tại nước ngoài sẽ đóng góp chung vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng là thông điệp xuyên suốt Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo ông Hiệu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là xu hướng phát triển kinh tế xã hội toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Về lâu dài các DN khởi nghiệp, dựa trên nền tảng đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới sẽ là đầu tầu của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các DN khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị DN. “Do đó rất cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ những DN, nhà khởi nghiệp thành công đi trước để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa”- ông Hiệu bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Hội chuyên gia và khoa học Việt Nam toàn cầu, kết nối tri thức nguồn lực cần được thực hiện diễn ra ở nhiều cấp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cần những sản phẩm, dự án cụ thể. Như vậy việc hỗ trợ, chia sẻ dự án mới đi đến thành công…