Chúng ta sắp kết thúc những năm cuối của Thập niên thứ hai, Thế kỷ XXI đầy hào hứng, đầy sôi nổi, đầy sáng tạo để bước vào thời kỳ phát triển khoa học kỹ thuật 4.0. Rất tiếc, bên cạnh những con người trung thực, thẳng thắn, đầy tài năng vẫn còn tồn tại một số nhỏ những con người lười biếng, ít chịu động não, trong suy nghĩ chỉ biết đến tiến thân bằng một kỹ năng sống thấp kém, đó là nịnh hót, bợ đỡ, cố lấy lòng mọi người để làm chỗ dung thân.
Có một câu danh ngôn rất hay để cảnh tỉnh những con người lạc hậu, đó là câu danh ngôn của nhà triết học Herbert B. Swope (1593–1633): “Cố lấy lòng mọi người là một kỹ năng sống thất bại” (There is one guaranted formula for failure, and that is to try to please everyone). Câu này cũng có thể hiểu là: “Có một công thức đảm bảo sự thất bại, đó là luôn cố gắng lấy lòng mọi người”.
Thế nào là cố lấy lòng mọi người?
Theo Đại Từ điển tiếng Anh Oxford thì: “Pleased, pleasing là làm vừa ý, làm vừa lòng”. Chiều ý, chiều lòng là có nghĩa xấu, làm khổ con người, làm vất vả cho con người. Từ điển này đã lấy một thí dụ: “I am very tired of trying to please everyone” (Tôi đã quá mệt mỏi vì phải chiều lòng mọi người).
Phát triển theo ý này của Từ điển Oxford, ta tạm kể tên những loại người muốn chiều lòng, chiều ý mọi người như sau:
- Loại người chuyên nịnh nọt, ton hót, đút lót, mua chuộc người cấp trên để được che chở về sự yếu kém về tài, về đức của mình, loại này rất nguy hiểm. Họ là những kẻ thiếu trung thực, chỉ biết lấy tiền ra để che thân. Những người cấp trên, những ông chủ nào thích nhận đút lót, thích xiểm nịnh thì cũng là loại người không ra gì, dễ bị ánh sáng của Luật pháp và Đạo đức thiêu đốt. Đúng như học giả Charles Rollin (1661–1741) đã vạch trần: “Nịnh hót chỉ là sự giao dịch bằng dối trá của cả hai bên, một bên thì dựa vào cái lợi ích tầm thường, một bên thì dựa vào cái sở thích hiếu danh hão huyền” (La flatterie n'est autre chose qu'un commerce de mensonge fondé d'un côté sur l'intérêt, et de l'autre sur la vanité).
Có thể trong nhất thời, người nịnh bợ và người chống lưng tham nhũng có những “thành công” nhất định. Nhưng cuối cùng cả hai loại người trên đều gặp nhau ở nơi tù tội, tòa án (cả tòa án hình sự và tòa án lương tâm con người). Cần tránh xa và phát hiện cho chính quyền cả hai loại cặn bã này để xã hội được sạch sẽ, con người được sống trong hạnh phúc, bình an.
- Còn có một loại người cũng có kỹ năng lấy lòng, chiều lòng, luôn phải nhìn mắt người khác để hành động, để phát ngôn. Số người này do kém về đường phát triển trí tuệ nên phải phát triển theo đường “mưu hèn, kế bẩn” để tiến thân. Mà muốn được như thế, phải có người chống lưng, phải có người đỡ đầu. Số người này luôn dùng tiền để nhờ người học hộ, người thi hộ, người chữa điểm hộ để có bằng giả, vị trí xã hội giả nhưng hưởng thụ và tranh giành quyền lợi là thật. Loại này tương đối đông trong các doanh nghiệp, cơ quan, công sở, có khi rất khó phát hiện vì họ giỏi việc “đi đêm”, ngụy trang, diễn, giả vờ rất khéo, cứ như thật nên nhiều người dễ bị mắc lừa. Nếu ta đem cái “kính chiếu yêu” trong các chuyện cổ tích ra sử dụng, có thể thấy được hình ảnh nửa sáng nửa tối của những con người tệ hại này.
Xã hội chậm tiến bộ cũng vì những con người này luôn luồn cúi, chạy chọt để được giữ những vị trí quan trọng.
Trong văn thơ cổ gọi những người này là loại xu thời, nịnh bợ, gió chiều nào che chiều ấy.
Bên phương Tây, bà văn sĩ Woller nói thẳng thắn rằng: “Sự nịnh hót, cũng như tiêu tiền giả, làm nghèo nàn những kẻ nào nhặt những đồng tiền giả ấy” (La flatterie est comme la fausse monaie, elle apprauvit celui qui la reçoit). Kết quả thật thảm hại!
Bên phương Đông, tác giả Chu Tử (tức Chu Bá Lư, đời Tống) cũng lên án mạnh mẽ kẻ xu nịnh, chuyên lấy lòng bọn giầu có: “Thấy kẻ giầu sang mà sinh ra nịnh hót, khúm núm là hạng người rất đáng xấu hổ” (Kiến phú quý nhi sinh siểm dung, giả tối khả sỹ).
Tất cả những dòng viết ở trên đều muốn lấy dẫn chứng từ các danh ngôn cũ mà khuyên nhủ con người nên sống trung thực, ngay thẳng, chịu khó suy nghĩ, chịu khó lao động thì chắc chắn sẽ có một cuộc sống ấm no hạnh phúc, chứ đi theo con đường xu nịnh, lấy lòng người khác là con đường dẫn đến bế tắc, dẫn đến tuyệt vọng.
- Loại người sau cùng là loại người có tính “dĩ hòa vi quý”, “nước chảy bèo trôi”, “trên không chê, dưới không trách”, “sáng vác ô đi, tối vác về”. Số người này rất tai hại, là bước cản của phát triển xã hội. Họ tưởng sống như thế là yên thân, là lặng lẽ gặt hái, lặng lẽ nhặt được của rơi, của vãi do những kẽ hở của Pháp luật, kẽ hở của Đạo đức rơi ra. Nhưng họ đã nhầm!
Như một bài hát nào đó đã chỉ rõ: “Vạn người quen có mấy người thân, đến khi lìa trần có mấy người đưa”, tức là trong cuộc đời, con người ta phải biết quy luật “Yêu” (To love) và “Được người khác yêu” (To be love) thì mới thành đạt và phát triển được. Nếu ta chỉ sống “nhờ nhờ”, không dám làm mất lòng ai, ai ta cũng lấy lòng hời hợt thì cũng chẳng có ai tin ta, yêu quý ta mà sẵn sàng giúp đỡ ta tận tình để vượt qua những lúc khó khăn trên bước đường đời.
Những mẩu chuyện đời thường
- Xuân là con ông Thu, một cán bộ cấp Phòng. Sau khi con trai đã đỗ Cử nhân Tài chính Kế toán và được nhận về làm việc ở cơ quan của bố, ông Thu đã phổ biến cho con trai: “Con phải nhớ câu “Bằng cấp không bằng Bằng lòng”. Con cứ noi gương bố là chỉ đỗ có Bổ túc trung học phổ thông mà bố cũng lên được chức phó phòng. Hãy ghi nhớ trong lòng công thức “Bằng lòng > Bằng cấp” con nhé.
Xuân đã áp dụng đúng lời bố dặn, nghĩa là hết sức xu nịnh cấp trên, hết sức làm vừa lòng đồng nghiệp, trong các đợt học tập “phê và tự phê” ở cơ quan, anh chỉ “thứ nhất ngồi ì, thứ nhì đồng ý, thứ ba vỗ tay”. Kết quả, trong đợt bỏ phiếu kín vừa qua để giảm biên chế, nhằm loại trừ những cán bộ thiếu tài, thiếu đức, để làm vững mạnh cơ quan, Xuân đã có số phiếu bầu cao nhất, nên phải buộc thôi việc.
- Đông là chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra. Anh nghĩ: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Vì thế vào những ngày lễ, tết anh đều “phong bì”, “phong bao” rất hậu cho Hải quan Cửa khẩu. Vì thế, khi hàng hóa của các doanh nghiệp khác bị giữ để kiểm tra, để xem xét hồ sơ, thì hàng ở doanh nghiệp Đông “thông quan” thoải mái, bán chạy như tôm tươi, tiền vào túi anh “như nước sông Đà”. Chợt một sáng ngủ dậy, công an đến nhà yêu cầu anh đi theo để hợp tác điều tra về “Trốn thuế, buôn lậu, thông đồng với Hải quan”. Ngồi trong trại giam, Đông rớt nước mắt khi nghĩ đến mẹ già, vợ dại và lũ con thơ. Anh nghĩ thầm: “Nếu được ra tù anh sẽ làm ăn lương thiện, không lấy lòng, không đút lót cho Hải quan làm việc xấu nữa”.
- Lan là một thiếu nữ xinh đẹp, có bằng đại học, hiện là “cán bộ nguồn” của một cơ quan cấp Bộ. Ai cũng khen Lan là khéo ăn, khéo ở, khéo chiều lòng mọi người trong cơ quan, từ các loại sếp to, sếp nhỏ đến các đồng nghiệp. Tất cả mọi người chỉ có một thắc mắc là: Đã sang tuổi “băm hai nhát” (tức là 32 tuổi) mà Lan vẫn chưa được người đàn ông nào chịu cầu hôn để cưới làm vợ. Vì sao? Vì ai đến định tìm hiểu Lan đều được những người thân quen nhắc nhở: “Cẩn thận nhé, cô Lan sống “khéo” lắm, bên ngoài là vậy nhưng chẳng biết trong lòng cô ấy nghĩ gì đâu, liệu mà suy nghĩ nhé”.
Chao ôi, sự thật luôn làm chúng ta đau lòng (La vérité souvent nous pique), nhưng cái sự thật về sự khéo lấy lòng mọi người của cô Lan đến nỗi trở thành gái ế thì quả thật không còn là “chua xót” nữa mà đã chuyển thành “cay đắng”.
Để khép lại trang viết, không gì thú vị hơn là nhắc lại lời của Đại thi sĩ Jean de la Bruyère (1645–1696) khi ông viết: “Lời khen tốt đẹp nhất mà ta có thể ban cho một con người, chính là khi ta nói cho mọi người biết được rằng: ông ấy là một người chân thật” (Le plus bel éloge qu'on puisse faire d'un homme c'est de dire de lui: Il est un homme vrai).
Xin chúc cho tất cả chúng ta đều nhận được lời động viên cao quý này của Jean de la Bruyère!