Có mất bò mới lo làm chuồng

Di Li 10/06/2020 14:31

Lần đầu tiên trong vài thập niên, một điều tưởng chừng như không thể xảy ra ở “cường quốc bia” là các quán bia vắng tanh, chủ quán buồn thiu, ngơ ngác. Các bà vợ phấn khởi vì không chỉ tính mạng của nhân dân, của bản thân được an toàn mà hạnh phúc gia đình cũng đảm bảo, chẳng còn phải chịu cảnh ngồi trước mâm cơm lạnh ngắt đến tội nghiệp để hóng chồng về.

Có mất bò mới lo làm chuồng

Cô huấn luyện viên GYM của tôi nhăn mặt khiển trách vì tôi thường xuyên đến phòng tập mà không báo trước. “Tháng này em đông học viên lắm, chị mà không báo trước thì em sẽ bị động”. Tôi ngạc nhiên hỏi cô rằng tại sao lại có tháng đông tháng vắng. “Vì sắp đến hè rồi, mọi người chuẩn bị đi tắm biển nên muốn tập cho giảm cân còn mặc áo tắm”. Tôi thấy mắc cười vì chuyện này quá thể. Cơ thể mà cứ như cục bột, lúc nào cần đẹp thì sẽ đi nắn tạm thời, xong lại giải lao cho người phát phì lên. Khác chi người già hay lo tập thể dục và uống các loại thực phẩm chức năng, vì khi đến tuổi tật bệnh rồi mới biết sợ, trong khi đã mang bệnh thì các biện pháp lành mạnh đâu còn nhiều ý nghĩa như lúc cơ thể còn trẻ, khỏe. Có phải vì thế mà ngành y tế dự phòng luôn đìu hiu chứ không “đắt hàng” như y tế điều trị.

Thói quen thâm căn cố đế “Nước đến chân mới nhảy” hay “Mất bò mới lo làm chuồng” của người Việt không chỉ mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng đến những quyết định vĩ mô của các cấp quản lý, giống như một thứ văn hóa đã ăn sâu từ cội rễ. Sau câu chuyện đau lòng của một học sinh tiểu học trường Gateway bị bỏ quên trong xe dẫn đến tử vong, nhiều trường học mới giật mình sực nhớ ra việc sơ xuất trong quản lý sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà may thay họ chưa gặp phải. Con gái tôi cũng phải đi xe trường, sau cái ngày rung động thương tâm ấy thì nhà trường cũng đã trang bị cho các con… hàng chục chiếc búa trên xe, để lỡ có trò nào ngủ quên rồi vô tình bị nhốt trong xe còn có công cụ mà tự giải thoát. Đồng thời chỉ dẫn “Lối thoát hiểm ở đây” cũng được dán chi chít trên các ô cửa sổ. Sổ điểm danh bắt đầu hoạt động, trong khi trước đó các trò cứ lên xe tự nhiên mà không cần người kiểm tra, có ngủ quên ở nhà cũng không ai hay biết. Thầy giáo chủ nhiệm cũng lo lắng nhắn tin cho từng phụ huynh ngay từ tiết đầu nếu có học trò nghỉ học. Các trường học đồng loạt có các biện pháp tương tự.

Trong khi đó tôi đã lo “làm chuồng” và “rào giậu” từ khi con mới bắt đầu vào tiểu học, đấy là trong suốt 12 năm học, tôi luôn yêu cầu các thầy cô giáo chủ nhiệm phải thông báo ngay cho phụ huynh qua tin nhắn nếu không thấy con đến lớp. Vì dẫu không còn ở tuổi tiểu học và chưa bị nhốt trong xe giữa trời nóng nực nhưng sẽ còn rất nhiều kịch bản có thể xảy ra với con trẻ: Bị bắt cóc trên đường ra bãi đậu xe, bị tai nạn, bị ngất xỉu trong lúc đi bộ, bị bạn bè xấu rủ rê hoặc thậm chí chủ động trốn học. Tại sao các bậc phụ huynh và cả nhà trường có thể phó mặc sự an toàn của con trẻ cho những tài xế chỉ biết cầm vô lăng ngó giao thông mà không cần để ý đến danh sách lên xuống xe mình.

Ngay cả cái sự uống rượu bia trước khi lái xe cũng vậy. Việt Nam vốn là nước dẫn đầu thế giới ở rất nhiều hạng mục xấu xí, trong đó có tốc độ gia tăng tiêu thụ đồ uống có cồn lớn nhất, lên đến gần 90% kể từ năm 2010. Thế giới uống 35,7 tỷ lít bia mỗi năm thì riêng Việt Nam đã chiếm 4,2 tỷ lít riêng trong 2018, cao nhất Đông Nam Á. Tôi có cô bạn sống ở Mỹ, vợ chồng suýt bỏ nhau chỉ vì cái tội chồng cô có thói quen uống bia với bạn bè vào các cuối tuần. Cô bảo thấy lo ngay ngáy mỗi lần chồng ra khỏi nhà cùng các bạn, vì luật ở Mỹ rất nghiêm, chỉ cần phát hiện ra nồng độ cồn của tài xế là sẽ ngồi tù như chơi, nhẹ thì rút giấy phép lái xe, nặng thì trục xuất. Nhắc hoài anh chồng không nghe, cô kiên quyết làm đơn ly dị vì không muốn con mình gặp rủi ro trong tương lai khi có ông bố bị cảnh sát tóm vì rượu bia. Tôi đùa rằng vậy bảo ổng về Việt Nam mà uống cho sướng đời. Đàn ông Việt uống rượu bia xong điều khiển xe hai bánh, bốn bánh rồi gây tai nạn cứ như không, điều vô cùng gây kinh ngạc cho bất kỳ quốc gia nào. Đến mức tôi có anh bạn người nước ngoài ở tịt Việt Nam vì sung sướng quá, hỏi anh thích nhất điều gì ở nước tôi, anh bảo ở đây anh được tự do, có uống rượu bia tẹt ga rồi lái xe cũng không sao, cần thì anh sẽ “xin xỏ”.

Cho đến khi 70% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, rồi những ca tai nạn vô tiền khoáng hậu tới mức “thảm sát” khi các xe điên say xỉn kéo roẹt một lúc đi vài mạng người khiến đồng bào không còn chịu đựng nổi nữa, người ta phải xuống đường để tuần hành phản đối những kẻ đã uống rượu bia còn lái xe thì người làm luật mới vào cuộc. Nghị định 100 ra đời đưa ra khung hình phạt tới 40 triệu đồng cho những tài xế vi phạm nồng độ cồn, chỉ sau một tháng thực hiện đã thu được hơn 53 tỷ đồng tiền phạt cho gần hai vạn ca vi phạm. Và cũng chỉ sau nửa tháng, tôi đã chứng kiến những người bạn “sâu bia” rón rén uống Coca trong các quán nhậu, mà đã đi ăn nhậu lại còn uống Coca thì chẳng thà ở nhà cho xong.

Lần đầu tiên trong vài thập niên, một điều tưởng chừng như không thể xảy ra ở “cường quốc bia” là các quán bia vắng tanh, chủ quán buồn thiu, ngơ ngác. Các bà vợ phấn khởi vì không chỉ tính mạng của nhân dân, của bản thân được an toàn mà hạnh phúc gia đình cũng đảm bảo, chẳng còn phải chịu cảnh ngồi trước mâm cơm lạnh ngắt đến tội nghiệp để hóng chồng về. Kèm theo đó là lắm chuyện hài hước đến khó tin khi nhiều người đi bộ cũng đến xin cảnh sát giao thông cho thổi ống nồng độ cồn vì tối qua trót uống tí rượu mà giờ lại muốn lái xe nên kiểm tra coi trong cơ thể còn dư lượng cồn không thì mới dám đi. Hóa ra việc gì người ta cũng có thể quản lý được, chỉ có điều bò sổng ra rồi mới lo rào giậu mà thôi. Xe điên nhiều quá, người chết lắm quá, tài xế bị bắt trong tình trạng say xỉn líu cả lưỡi, đến khi cấp cứu đưa vô viện thì bác sĩ không gây mê nổi vì trong máu vẫn còn đầy cồn, lúc ấy người ta mới bắt tay vào làm quyết liệt.

Nhưng thấy con gái tôi kể, nhà trường sau một thời gian kiểm soát số học sinh lên xuống xe thấy mất thời gian quá lại thôi không làm nữa rồi. Búa treo thoát hiểm cũng bị học sinh vặt ra nghịch rồi vứt linh tinh đâu hết cả. Tôi lại lo, liệu cái sự quyết liệt với việc vi phạm nồng độ cồn còn kéo dài thêm được bao lâu nữa. Hay lại giống mấy chị em ở phòng tập GYM, hễ lúc nào chuẩn bị đi tắm biển mới thể thao cấp tập cho giảm eo để còn mặc bikini. Tắm biển, chụp ảnh “check in” xong lại ních đầy bánh kẹo chè kem như cũ và chiếc thẻ tập bị bỏ quên trong ngăn kéo. Như vậy, các cụ bảo “Bóc ngắn cắn dài” hay “Được chăng hay chớ” cũng đều đúng cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có mất bò mới lo làm chuồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO