Lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” được coi là kim chỉ nam để người thầy thuốc nâng cao y đức. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, không ít vụ việc xảy ra trong ngành y khiến xã hội băn khoăn, vì nó đi ngược nguyên tắc y đức phải là căn cốt của người thầy thuốc.
Khi trẻ bị uống thuốc hết hạn…
Vụ việc khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên và bức xúc trước sự xem thường tính mạng bệnh nhân của các y bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương.
Anh Đỗ Bá Kỷ (trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) có con nhập Khoa Quốc tế (BV Nhi trung ương) điều trị bệnh viêm phổi (từ ngày 10/12) đã rất đau lòng khi phát hiện bác sĩ điều trị cho con trai anh 1 tuổi của anh uống thuốc kháng sinh Augmentin 250mg dạng gói, đã hết hạn sử dụng gần 1 tháng (ngày 27/11) sau 2 ngày đưa con vào bệnh viện này.
Anh đã phản ánh đến các bác sĩ về sự việc nhưng chỉ nhận được câu trả lời do nhầm lẫn và BV không có phản hồi về sự việc trên, thậm chí khi gặp lãnh đạo Khoa nhưng lãnh đạo này lại nói chưa nắm bắt được sự việc này. Anh Kỷ cho biết, BV cho rằng, các gói thuốc con anh uống đều đúng hạn, chỉ có gói anh phát hiện thì hết hạn sử dụng và gói này con anh chưa uống (!).
“Thậm chí, thông tin từ trưởng khoa còn cho biết, BV nghi tôi mang thuốc hết hạn ở ngoài vào cho con uống khiến tôi càng bực tức”- anh Kỷ nói.
Tuy nhiên, tới ngày 18/12/2019, BV đã có văn bản xác nhận sự việc bệnh nhi 12 tháng tuổi đã bị cấp thuốc quá hạn dùng khi điều trị tại BV này. Theo BV, sau khi nhận được phản ánh của gia đình bệnh nhi về việc thuốc kháng sinh hết hạn, BV đã tiến hành rà soát tất cả các khâu cung ứng, phân phối, quản lý và sử dụng thuốc tại khoa, phòng cũng như họp với các cá nhân và bộ phận liên quan. Qua đó, xác định, sự cố cấp phát thuốc quá hạn cho bệnh nhân 12 tháng tuổi nằm điều trị tại Đơn nguyên S6, Khoa Quốc tế là có và cho rằng đây là sự cố y khoa. Đồng thời BV cho rằng, trách nhiệm thuộc điều dưỡng thực hiện cấp phát thuốc do chưa thực hiện đầy đủ quy chế chuyên môn điều dưỡng.
BV cũng đã rà soát lô thuốc tại Khoa Dược. Đây là lô thuốc (kháng sinh) Augmentin dạng gói 250mg, lô 9J3S, HSD: 27/11/2019, được nhập ngày 1/8/2018, và đã xuất hết ngày 1/11/2018.
BV cũng xác định điều dưỡng phụ trách và điều dưỡng hành chính đơn nguyên S6, Khoa Quốc tế của BV chưa tuân thủ đầy đủ quy trình quản lý thuốc tồn tại đơn vị mình. Do vậy, Hội đồng Kỷ luật của BV sẽ xem xét mức độ và trách nhiệm để có quyết định kỷ luật phù hợp với các cá nhân vi phạm.
Sự việc như vậy đã coi là được khép lại, nhưng dư âm của nó thì không thể nói là đã hết.
Và khi kết quả xét nghiệm bị gian lận
Vụ việc tại BV Nhi trung ương không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ thể hiện sự vô cảm trước tính mạng của bệnh nhân. Bởi chỉ trước đó ít ngày, tại Khoa Vi sinh BV Xanh Pôn cũng bị báo chí phanh phui một sự việc chấn động trong quá trình test nhanh HIV và viêm gan B: Nhân viên y tế tại Khoa Vi sinh đã không thực hiện đúng quy trình mà dùng kéo cắt đôi que thử đúng vào vị trí giữa của vạch hóa chất xét nghiệm. Hành động này khiến mỗi que thử đáng lẽ chỉ dùng cho một bệnh nhân thì lại được cắt ra sử dụng cho hai người nhưng bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ.
Ngoài ra, các nhân viên cũng trộn 4 mẫu máu của bệnh nhân vào chung một ống nghiệm trong quy trình xét nghiệm bán tự động.
Sự việc trên khiến dư luận bàng hoàng với việc chẻ dọc que thử test nhanh HIV, viêm gan B không chỉ không đúng quy trình xét nghiệm, có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm mà còn vi phạm nghiêm trọng y đức của một số cán bộ y tế của bệnh viện này khi coi thường sức khỏe, tính mạng của những người nghi nhiễm bệnh hiểm nghèo như HIV, viêm gan B.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về kết quả kiểm tra vụ cắt đôi test HIV tại khoa vi sinh, BV Xanh Pôn cho thấy, Khoa Vi sinh BV này đã không báo cáo việc nhận và sử dụng test HIV combo với BV.
Việc cắt đôi test là do bà Chu Thị Loan- Phó phụ trách Khoa Vi sinh y học, phổ biến, chỉ đạo các nhân viên trong khoa thực hiện. BV Xanh Pôn xác định Khoa Vi sinh y học không thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận quà tặng: Tự ý nhận quà là test HIV Combo của Công ty Lục Tỉnh cho, tặng không báo cáo BV.
Khoa Vi sinh y học tự ý sử dụng test HIV combo để xét nghiệm kiểm chứng với Test HIV ½ nhưng không xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, không báo cáo BV là không thực hiện đúng các quy định về kiểm chứng, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, kết luận cũng cho biết việc Khoa Vi sinh y học cắt dọc Test HIV combo làm đôi để xét nghiệm đã không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không đúng quy chế chuyên môn. Việc cấp phát, ghi chép thống kê sử dụng các loại test, kit xét nghiệm HIV, HbsAg của Khoa Vi sinh y học không chặt chẽ, không chính xác.
Kết quả xét nghiệm test HIV combo được nhân viên của khoa ghi khống 1.272 kết quả vào cột ghi chú của sơ đồ test HIV ½ từ trưa ngày 9/12/2019 sau khi biết thông tin phản ánh. Thực tế Khoa chỉ kiểm chứng gần 80 test HIV combo (nhân viên khoa không nhớ số lượng cụ thể).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra chưa xác định được việc trộn 4 mẫu máu để xét nghiệm Elisa. Dẫu thế thì cách hành xử của Khoa Vi sinh BV Xanh Pôn cũng thật… đáng sợ.
Ưu đãi và lương tâm
Mọi người ngay từ nhỏ đã được gia đình và nhà trường rèn giũa về nhân cách và đạo đức. Đối với người cán bộ y tế, đạo đức nghề nghiệp càng được coi trọng hơn, gắn liền với tiêu chuẩn ngành nghề, gọi là Y đức.
Y đức của người thầy thuốc được thể hiện qua thái độ làm việc và phục vụ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Một người bác sĩ tuân thủ và giữ gìn y đức sẽ không có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với bệnh nhân, nhận phong bì riêng hay liên kết với các hiệu thuốc để trục lợi…
Y đức góp phần giữ gìn hình ảnh người bác sĩ quý trọng sức khỏe, mạng sống của người bệnh. Đồng thời, đạo đức ngành y còn giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn của cán bộ y tế. Cùng với kiến thức chuyên sâu, y đức chính là cánh cửa giúp người hành nghề y dược tiến xa hơn trong ngành Y tế.
Trong 20 năm (từ 1947 - 1967), Bác Hồ đã có tới 25 bức thư gửi ngành Y tế, thương binh - xã hội. Tháng 3/1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: “... Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y như từ mẫu”... Không chỉ thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở những người thầy thuốc về sự quan trọng của họ đối với nhân dân, với đất nước: “... Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế, tháng 2/1955).
Trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Có thể nói, trên thế giới có kỹ thuật hiện đại nào, có loại thuốc mới nào thì gần như trong thời gian rất ngắn, các thầy thuốc, bác sĩ của ta đều tiếp cận, ứng dụng và làm chủ được công nghệ đó. Một số kỹ thuật trong phẫu thuật bằng máy móc hiện đại, cấy ghép tạng, thụ tinh nhân tạo, nghiên cứu và sản xuất vắc xin y tế… có thành tựu vượt trội so với mặt bằng các nước có nền kinh tế ở trình độ tương tự.
Mặc dù vậy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ, ngành y thường nhận được nhiều lời phàn nàn hơn lời cảm ơn. Vì đây là một ngành rất “đặc thù”, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh nhưng cũng dễ bị phàn nàn nếu như người bệnh không thấy hài lòng. Chính vì vậy, bà Tiến đã cùng ngành y tế có nhiều cố gắng để giải quyết các vấn đề nóng bỏng, bức xúc của ngành với thái độ chân thành, cầu thị nhưng cũng khá quyết liệt. Tuy nhiên, dẫu thế thì những “khuyết tật” trong ngành y vẫn không chấm dứt; mà câu chuyện cho trẻ uống thuốc hết hạn hay là… chẻ đôi que thử HIV, gian lận kết quả xét nghiệm là dẫn chứng ít ỏi.
Tình hình thực tế đang đặt ra những đòi hỏi mới về sự đãi ngộ với cán bộ y tế. Bây giờ, không thể đòi hỏi các y, bác sĩ sống như thời bao cấp - được làm việc và cống hiến đã là một hạnh phúc. Đòi hỏi sự cống hiến vô điều kiện trong thời đại ngày nay là phi thực tiễn. Vì thế các chính sách vĩ mô, cũng như cơ chế đãi ngộ của xã hội đối với nghề nghiệp đặc biệt này sẽ còn phải hoàn thiện.
Nhưng trên hết, trước khi đòi hỏi đãi ngộ thì y đức vẫn là trên hết. Vì đó chính là đòi hỏi đầu tiên và cuối cùng với bất cứ ai hành nghề thầy thuốc cứu người.