Có một ngày như thế: Mồng 8 tháng 3

Phong Lê 08/03/2016 00:23

Ngày ấy đã được xác định từ hơn một trăm năm đã qua kể từ cuộc đấu tranh quyết liệt của nữ công nhân thuộc hai ngành dệt và may ở Chicago và New York- hai trung tâm công nghiệp lớn nhất ở Mỹ vào ngày 8 tháng 3 năm 1899. 

Có một ngày như thế: Mồng 8 tháng 3

Bức ảnh “Bắc Nam sum họp” chụp năm 1975 tại Bạc Liêu,
các bà mẹ miền Bắc và miền Nam gặp nhau nhân
dịp thống nhất đất nước. (Ảnh: Võ An Khánh).

Từ Mỹ, phong trào nữ quyền lan rộng ra trong thế giới tư bản, đưa đến Đại hội nữ giới lần thứ hai - tại Côpenhaghen- Đan Mạch năm 1909. Đại hội đã quyết định lấy ngày 8 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế phụ nữ, với mục tiêu là đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.

… Ở Việt Nam ta, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 phụ nữ đã có tổ chức đoàn thể của mình trong Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt vào năm 1946; và trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới vào năm 1948.

Đặc biệt, ở Việt Nam, ngày 8 tháng 3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền cho dân tộc, vào năm 40 đến năm 43 (sau công nguyên). Tính từ cuộc khởi nghĩa này cho đến nay, lịch sử dân tộc đã qua một chặng đường dài ngót hai nghìn năm; cũng là hai nghìn năm cả dân tộc sống với phương châm: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”…

Nói đến yêu cầu giải phóng phụ nữ ở Việt Nam là nói đến một yêu cầu rất khẩn thiết và rộng lớn, vì nước ta bị kìm hãm quá lâu trong xã hội phong kiến nhiều nghìn năm, cho đến năm 1945 mới thực sự được giải phóng ra khỏi xiềng xích của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân. Thế nhưng từ khởi điểm đó, vẫn còn vô số những trói buộc khác, do hoàn cảnh chiến tranh, do nền kinh tế lạc hậu, và do hệ ý thức, tâm lý, tư tưởng cổ hủ lưu lại từ nghìn năm, không dễ một sớm một chiều dứt bỏ được.

Cứ nhìn vào tình cảnh và số phận người phụ nữ nông thôn, không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa; hoặc những nữ công nhân trong các khu chế xuất hoặc các doanh nghiệp lớn nhỏ… mới thấy họ còn phải chịu đựng biết bao lam lũ, vất vả, cực nhục trong sự mưu sinh.

Lại còn nạn bạo hành diễn ra ở khắp nơi, với bao nhiêu vụ, việc rất dã man, mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em; là vợ hoặc con; là cô giáo hoặc nữ sinh; là con nuôi hoặc con đẻ; là đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương… mới thấy có biết bao là việc lớn mà tất cả các cấp, các ngành, các bộ phận cư dân còn phải làm cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ!

Dẫu sao thì từ sau Cách mạng tháng Tám, phụ nữ Việt Nam đã có một cuộc đổi đời lớn; và thực sự đã có những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong hai cuộc chiến tranh, và trong sự nghiệp Đổi mới hôm nay. Rất nhiều tên tuổi phụ nữ là các anh hùng và chiến sĩ thi đua trong chiến đấu và lao động, đến các trí thức khoa học, văn hóa, nghệ thuật đã làm rạng danh cho dân tộc, xứng đáng là sự tiếp nối các bậc tiền nhân trong lịch sử.

Rất nhiều tên tuổi phụ nữ, thuộc các lứa tuổi, trên khắp các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…đã xuất hiện trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, hoặc đang được ươm trồng, chuẩn bị trong các nhà trường, để trở thành kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, người làm khoa học, nghệ thuật, thể thao…

Tất cả họ, bằng tài năng, nghị lực của mình, và bằng sự chăm nom, vun đắp của xã hội, rồi sẽ trờ thành người có ích cho nhân dân, người tài của đất nước. Đó là điều, nhân ngày 8 tháng 3 năm nay, chúng ta có quyền tin tưởng.

Đã là người Việt Nam, hẳn không ai không biết, không nhớ Truyện Kiều, với câu thơ kết đọng nỗi đau của muôn ngàn kiếp sống nhân sinh: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Nếu Nguyễn Du còn sống với chúng ta chắc ông sẽ có những khúc vui (Khúc vui xin lại so dây cùng người - thơ Tố Hữu) cho bao thân phận phụ nữ đã được đổi đời…

Nhân ngày 8 tháng 3 ta lại có dịp trở lại với Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng, danh nhân văn hóa và là nhà thơ lớn của dân tộc. Là nhà thơ, ngay từ khi về nước, vào tháng 8/1941, ở đầu nguồn Pác Bó, sau 30 năm xa xứ, Bác đã viết môt chùm thơ cách mạng gồm Ca phụ nữ, Ca dân cày, Ca công nhân, Ca binh lính… nhằm chuẩn bị cho cao trào Tiền khởi nghĩa.

Có nghĩa là, với Bác, phụ nữ lúc nào cũng là một sức mạnh hùng hậu của cách mạng; muốn cách mạng thành công, bất cứ là cách mạng nào, cũng cần phải tính đến ở hàng đầu lực lượng phụ nữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một ngày như thế: Mồng 8 tháng 3

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO