Có nên bỏ thanh tra huyện?

Việt Thắng 18/04/2022 16:27

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tham dự phiên họp.

Các đại biểu tập trung ý kiến về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức các cơ quan Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh như hiện nay.

Tuy nhiên, về tổ chức Thanh tra huyện trong Thường trực Ủy ban còn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra.

Theo đó, đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện với những lý do: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả; Giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 Thanh tra huyện), phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; Khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh; Vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh; Quản lý tập trung lực lượng thanh tra ở địa phương, thuận lợi cho việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.

Còn loại ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo Luật tiếp tục duy trì Thanh tra huyện như hiện nay vì cho rằng tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp. Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”.

Việc giữ mô hình Thanh tra huyện còn để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho Thanh tra huyện. Những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà cần được quan tâm giải quyết, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Chốt lại, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không đồng tình với bỏ thanh tra huyện. Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nên tăng cường cho thanh tra huyện để giải quyết những vấn đề ngay từ cơ sở vì cấp xã không có thanh tra. Việc thanh tra huyện vào cuộc sẽ tránh được việc gây hậu quả, đùn đẩy kéo dài cho cấp trên.

Bà Thanh cũng cho rằng, hiện có 3 hình thức thanh tra là đột xuất, thường xuyên và theo kế hoạch do đó nên để 2 hình thức thanh tra là thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch vì thanh tra thường xuyên cũng chính là thanh tra theo kế hoạch.

Theo bà Thanh, thanh tra và kiểm toán thực hiện chức năng nhiệm vụ có nhiều chức năng khác nhau. Kiểm toán chỉ kiến nghị và chuyển cơ quan chức năng. Còn thanh tra thì có xử lý hành chính và xử lý kỷ luật. Do đó chỉ tránh việc 2 cơ quan vào làm việc tại 1 nơi cùng thời điểm. Vì vậy có thể điều hòa thời gian vào làm việc giữa 2 cơ quan này.

“Không làm cùng lúc để tránh quá tải cho địa phương đơn vị. Chứ thực tế có việc thanh tra làm việc khác nội dung này, còn kiểm toán làm việc với nội dung khác. Không thể nói thanh tra đã vào rồi thì kiểm toán không vào nữa. Có điều chỉ tránh việc 2 cơ quan vào làm việc cùng 1 thời điểm, gây quá tải cho địa phương, đơn vị”, bà Thanh cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, cần duy trì thanh tra huyện đồng thời cần tăng cường thêm cho thanh tra huyện. “Vì cấp xã không có thanh tra trong khi cấp huyện rất quan trọng. Bởi trước khi ban hành quyết định hành chính phải đối thoại với dân. Mà đối thoại với dân chính là do thanh tra chủ trì. Do đó cần duy trì và tăng cường cho thanh tra huyện. Nếu bỏ vai trò thanh tra huyện sẽ gây thiếu vắng, vì hiện nay ở dưới cơ sở rất nhiều vụ việc phức tạp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, không nên bỏ thanh tra huyện vì thanh tra huyện còn giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân tại cơ sở. “Nếu bỏ thanh tra huyện thì ai làm vấn đề này?”, ông Mẫn cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên duy trì thanh tra hành chính ở 3 cấp và không thể bỏ thanh tra huyện vì cấp huyện đang có rất nhiều việc. Qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại tố và tiếp công dân cho thấy, thanh tra huyện rất quan trọng, kiểm soát quyền lực, phát hiện vi phạm. Do đó nên duy trì thanh tra huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên bỏ thanh tra huyện?