Có nên ghi hình, ghi âm khi hỏi cung?

Luật sư Lê Đức Tiết 11/11/2015 08:00

Câu hỏi có nên ghi hình, ghi âm khi hỏi cung bị can được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thứ X của Quốc hội khóa XIII khi cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. 

Có ba loại ý kiến:

- Ý kiến tán thành thì cho rằng đó là biện pháp cần thiết để chống lại việc làm sai lệch hồ sơ, chống lại sự phản cung của bị cáo khi ra trước Tòa.

- Ý kiến phản đối thì cho rằng những biện pháp đó không loại trừ được hết các hành vi bức cung, mớm cung tinh vi của điều tra viên khi họ không khách quan trong công tác. Nó cũng không loại trừ hết các trường hợp phản cung, nếu bị cáo có lý do. Hơn nữa, việc ghi hình, ghi cung khi đã trở thành một thủ tục bắt buộc của luật thì sẽ gây không ít tốn kém về thời gian, về tiền bạc. Điều luật trở nên bất khả thi.

- Có ý kiến nêu rằng, chỉ nên ghi hình, ghi cung trong các trường hợp cần thiết(!). Vậy trường hợp nào là cần thiết? Điều này đòi hỏi luật phải có sự quy định thật cụ thể mới tránh khỏi sự rối rắm trong các trường hợp Tòa trả lại hồ sơ.

Dư luận cho rằng, cả ba loại ý kiến trên đây đều không thuyết phục vì nó chưa đưa ra được những biện pháp cụ thể, mang tính thực thi cao trong phòng, chống oan sai trong xét xử hình sự, hành chính, dân sự.

Oan sai trong xét xử là nỗi đau của xã hội, của người dân, đặc biệt oan sai trong xét xử hình sự. Oan sai, dù chỉ một vụ thôi, cũng đã gây ra nhiều nổi khổ đau suốt đời cả thể xác lẫn tinh thần cho bản thân, gia đình, họ hàng người bị oan, là đòn đánh mạnh vào thần Công lý.

Có những vụ oan sai xảy ra trong nhiều trăm năm trước, trong nhiều thập kỷ trước, nay vẫn còn được xã hội nhắc đi, nhắc lại mãi không thôi. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa oan sai xẩy ra, nhưng rất tiếc là oan sai trong xã hội vẫn còn xẩy ra không ít. Có những vụ đã có cơ sở khẳng định là oan sai, nhưng chưa được đưa ra xét xử để minh oan.

Đã biết là oan mà không minh oan là người vô cảm. Có những vụ đã có cơ sở khẳng định là không đủ chứng cư buộc tội, nhưng chưa được xóa án. Có những vụ án đã có bản án khẳng định là không có tội, nhưng việc đền bù thiệt hại và khôi phục lại quyền lợi chính đáng của người bị oan, sai vẫn bị kéo dài.

Tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII đã có đại biểu nêu, rằng nạn bức cung, mớm cung, nhục hình chết trong trại tạm giam, tạm giữ đang có biểu hiện gia tăng về số lượng và về mức độ nghiêm trọng (!). Không phải ngẫu nhiên mà các Đại biểu Quốc hội khóa XIII quan tâm nhiều đến vấn đề chống oan sai trong xét xử. Đó là sự thể hiện nỗi bức xúc và nguyện vọng của nhân dân trong vấn đề bảo vệ quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh. Nó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn và có tính khả thi hơn.

Dư luận cho rằng, việc chống oan sai một cách thiết thực nhất và có hiệu quả nhất là thực thi một cách triệt để và nghiêm minh quyền bào chữa của bị cáo. Nội hàm Điều 31 Hiến pháp năm 2013 là một sự đổi mới mạnh dạn và khá đầy đủ trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ quyền của bị cáo nói cụ thể.

Đặc biệt ở Khoản 4 Điều 31 quy định khá rõ: “4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Như vậy khoản 4 của điều Hiến định này khẳng định rằng khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, nghĩa là trong tất cả các giai đoạn của quá trình điều tra, truy tố xét xử, bị cáo đều có quyền nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền lợi cho mình, chứ không phải chỉ khi nào kết thúc điều tra bị cáo mới được mời luật sư và luật sư mới được đọc hồ sơ và tiếp xúc với bị cáo.

Nhưng Khoản 4, Điều 31 Hiến pháp chưa quy định rõ các hình thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo của Luật sư hoặc người khác ngay từ lúc bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra. Vì vậy Bộ luật Hình sự tố tụng phải luật hóa rất cụ thể điều 31 Hiến pháp, đặc biệt đối với khoản 4.

Hiện nay các Luật sư rất phàn nàn về việc cơ quan điều tra tìm mọi lý do hạn chế việc Luật sư tiếp xúc với bị cáo khi bị cáo bị bắt giữ, bắt giam, bị khởi tố. Chính ở các giai đoạn này bị cáo rất dễ bị hoảng loạn về tinh thần. Các hành vi bức cung, nhục hình cũng thường xẩy ra ở giai đoạn này. Hơn lúc nào hết, vào những lúc này bị cáo cần có luật sư để có thể được bình tĩnh hơn trong khai báo.

Vì vậy Bộ luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể các hình thức mà luật sư được áp dụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Sự có mặt của Luật sư là nhằm đảm bảo việc bắt giam, bắt giữ, tạm giam và hỏi cung bị cáo được tiến hành trên cơ sở quy định của luật pháp. Những kiến nghị phản đối đối với việc bắt giữ, bắt giam trái pháp luật, các hành vi bức cung nhục hình phải được xem xét giải quyết kịp thời là biện pháp có hiệu quả và có tính khả thi trong đấu tranh ngăn ngừa sai phạm xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố.

Bởi vậy, thay cho việc mua sắm phương tiện và tiến hành ghi hình, ghi âm tất cả các cuộc hỏi cung, bộ luật tố tụng hình sự cần có sự quy định cụ thể về trình tự, thủ tục luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo trong các giai đoạn đã nêu. Việc ghi hình, ghi âm trong các cuộc hỏi cung được tiến hành khi cán bộ điều tra thấy cần thiết cho việc hoàn thiện chứng cứ pháp lý của vụ án và không phải là điều bắt buộc với tất cả các vụ án.

Khi trong biên bản hỏi cung, khám nhà, khám người, khám nghiệm hiện trường đều có ghi sự chứng kiến, các ý kiến và chữ ký công nhận của Luật sư hoặc người bào chữa thì giá trị chứng cứ pháp lý của tài liệu sẽ được bảo đảm tính trung thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên ghi hình, ghi âm khi hỏi cung?