Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất về việc trì hoãn việc lắp camera lên xe kinh doanh vận tải, một nội dung đã được quy định là bắt buộc trong Nghị định 10/NĐ-CP ban hành từ đầu năm 2020 bởi dịch Covid-19.
Tăng cường chức năng giám sát hoạt động vận tải
Theo Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể từ ngày 1/7/2021, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container xe đầu kéo sẽ phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Việc quy định lắp camera đã được chính Bộ Giao thông Vận tải đưa vào Nghị định 10 từ ba năm trước khi tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định 10 và nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, giới chuyên gia cũng như chính các doanh nghiệp vận tải. Tinh thần chung của quy định này là để tăng cường chức năng quản lý, giám sát của nhà nước đối với hoạt động vận tải nói riêng, các hoạt động kinh tế xã hội khác nói chung.
Việc lắp camera theo các chuyên gia về giao thông cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và người lái xe trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như hỗ trợ các hoạt động về đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy nhiên, khi chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày thực thi chính sách ngày 14/6 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải gửi công văn kiến nghị lên Chính phủ về việc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ kiến nghị từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo; từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên.
Vẫn theo công văn này, Bộ cho biết đã nhận được phản ánh từ nhiều Hiệp hội doanh nghiệp vận tải, theo đó các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch Covid 19, dẫn đến doanh thu vận tải bị giảm sút.
Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vận tải hàng hóa tháng 5/2021 ước tính đạt 139,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,8% so với tháng trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 2,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 739 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 8%) và luân chuyển 146,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước giảm 7,5%).
Gián đoạn quá trình minh bạch hóa
Nỗ lực minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước bằng camera vẫn đang được Chính phủ liên tục thúc đẩy trong thời gian qua. Gần đây nhất, ngày 3/2/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ký quyết định phê duyệt đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”.
Theo Đề án này, Việt Nam sẽ đầu tư đồng bộ, hiện đại để kết nối, chia sẻ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về an ninh, trật tự, đồng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung giữa ngành Công an và ngành Giao thông vận tải (dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, giấy phép lái xe, mã số định danh cá nhân...)
Về mục tiêu tổng quát, sẽ nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông, xây dựng hệ thống quản lý điều hành, kết nối các hệ thống camera giám sát phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; trong đó có loại thông tin, dữ liệu thu thập, khả năng kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dùng chung...; xây dựng hành lang pháp lý trong việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ qua hình ảnh.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 2.150 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên), nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Vẫn theo Đề án này, Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ đưa hệ thống camera giám sát là thành phần bắt buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm kết nối, liên thông đồng bộ với hệ thống do ngành Công an quản lý để phục vụ việc theo dõi, bảo trì của cơ quan quản lý đường bộ và nhiệm vụ phát hiện vi phạm, tội phạm trên tuyến của lực lượng công an.
Đáng chú ý là chỉ cách đây 1 tháng, một cơ quan trực thuộc của Bộ Giao thông Vận tải là Tổng cục Đường bộ có văn bản gửi Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam theo đó bác đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm lắp camera trên xe kinh doanh vận tải. Nhưng sau đó, chính cơ quan này lại đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho lùi thời hạn. Chưa rõ vì sao một nội dung đã được quy định là bắt buộc và đang trong quá trình thực hiện lại đột ngột được đề xuất trì hoãn.
Theo ghi nhận từ các chuyên gia trong ngành, trên thực tế khó khăn tài chính không phải là vấn đề chính của doanh nghiệp vận tải. Trên thực tế, các doanh nghiệp có tâm lý không muốn bị giám sát nên tìm cách trì hoãn và dịch Covid-19 là cái cớ để kiến nghị.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc lắp camera cũng giống như lắp thiết bị giám sát hành trình trước đây, chỉ khác là camera cung cấp dữ liệu hình ảnh, giám sát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, mất tập trung và các hành vi mất ATGT khác.
“Chúng ta hay nói nguyên nhân TNGT do thiếu tập trung chiếm tỷ lệ lớn, nhưng chưa chứng minh được tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu. Dữ liệu từ camera giám sát sẽ giúp thu thập và phần mềm sẽ phân tích hay có người trực cảnh báo, điều chỉnh lái xe sử dụng điện thoại, góp phần giảm TNGT”, ông Hùng nói.