Đến nay, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chưa cho thấy sự sáng sủa. Tuy đã được thành lập và đi vào hoạt động từ giữa năm 2017 nhưng đến nay, sự bất hòa giữa lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (VFS) và nghệ sĩ không có dấu hiệu dịu bớt căng thẳng.
Nghệ sĩ vẫn không được trả lương đầy đủ. Chưa có phim truyện mới nào được triển khai. Một hãng phim với bề dày truyền thống nhất, số nghệ sĩ nhiều nhất lại hàng ngày nhìn nhau xót xa. Cái xót xa như cảm giác như vừa rơi mất báu vật.
Đạo cụ của hãng phim được chuyển ra ngoài để mang đi
Không biết sao, tên bộ phim “Của rơi” do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2002 lại ứng vận vào tình cảnh lúc này của VFS. Phim do đạo diễn Vương Đức thực hiện cùng với những nghệ sĩ thành danh khác như quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, diễn viên Đức Khuê, Lê Vũ Long, và thú vị là GS Văn Như Cương cũng tham gia một vai diễn nhà Nho trong bộ phim.
Kết phim là hình ảnh giữa ngã tư cây bàng, nơi có cột đèn xanh, đỏ, vàng đang nhấp nháy liên hồi, cả 3 nhân vật chính Thắng, Huyền, Dương đều bỏ đi mỗi người một phía. Số phận của họ ra sao tùy thuộc vào sự tưởng tượng của khán giả. Nhưng có một điều, họ khó có thể hàn gắn lại được những tình cảm đã mất, và đó là “của” mà họ đã đánh rơi.
Việc cổ phần hóa tuy bề ngoài “đúng quy trình” nhưng sự vội vã trong công bố thông tin vào những ngày cận tết, lại nhỏ li ti trong một tờ báo địa phương đã không thu hút được những công ty lớn giàu tiềm lực tham gia. Cục điện ảnh – cơ quan quản lý ngành của Bộ VHTTDL không được tham gia trong Ban chỉ đạo và ban cổ phần hóa. Duy nhất Tổng công ty vận tải thủy tham gia và trở thành cổ đông chiến lược. NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng đó là sự giả dối. Quay phim NSƯT Vũ Quốc Tuấn nói: “Tôi chỉ muốn được làm nghề”. Đây cũng là mong muốn của nhiều nghệ sĩ khác.
VFS vẫn trong vòng lúng túng. Gần đây, sáng 28/12/2017, Cục Điện ảnh tổ chức tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Đến dự hội nghị, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VFS cho biết: Ngoài việc thực hiện phim “Người yêu ơi” do Cục Điện ảnh đặt hàng, VFS đã thỏa thuận hợp tác sản xuất phim với đài truyền hình KBS (Hàn Quốc). Hãng cũng triển khai làm phim ngắn, tạo công ăn việc làm cho nghệ sĩ. Ngoài hoạt động sản xuất phim cho nhà nước và phim thị trường, hãng sẽ đầu tư các thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, đồng thời cử cán bộ đi học nâng cao các kỹ năng chuyên môn nhằm mục tiêu phát triển các dịch vụ này. Về kế hoạch lâu dài, hãng sẽ đầu tư khôi phục, xây dựng cơ sở hạ tầng tại trụ sở số 4, Thụy Khuê.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ khi được hỏi về các kế hoạch kể trên thì đều không biết và… bụm miệng cười. Các nghệ sĩ cho biết sau cổ phần hóa, VFS chưa ký lại các hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với cán bộ, nghệ sĩ. Vấn đề tổ chức rất lộn xộn không ra cơ quan của nhà nước hay công ty cổ phần. Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành công tác tại Phòng Biên tập biên kịch nói: Chúng tôi không biết gì về các kế hoạch của VFS.
Họ cũng không giao việc cho chúng tôi. Hàng ngày, nếu ai đến cơ quan mà không quẹt vân tay thì cũng không được tính ngày công. Khi đối thoại với cán bộ nghệ sĩ họ nói những người làm hành chính thì phải quẹt vân tay còn nghệ sĩ thì không nhưng nay lại thay đổi. Ba tháng nay tôi không được nhận lương.
Trước đó, có tháng tôi được tạm ứng 3,8 triệu đồng, tháng sau chỉ được tạm ứng 1 triệu. Như vậy là trái với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện ngày 20/9/2017 phải trả lương đầy đủ cho chúng tôi. Ngay như chị Ngọc Nga làm dựng phim đi làm có quẹt vân tay đầy đủ nhưng tháng vừa rồi vẫn chỉ được nhận nửa tháng lương.
Biên kịch Đặng Thu Trang cho biết: “Hầu như khối nghệ thuật chúng tôi không được trả lương, trừ các NSND, NSƯT và các trưởng phòng do họ dựng lên. Đơn giản vì không có sản phẩm. Tháng 10/2017, tôi, biên kịch Tống Phương Dung, biên kịch Trần Hoàng Thái Ly nộp đề tài đi thực tế và viết kịch bản trong 10 ngày tháng 10 thì được trả lương 10 ngày, không có hỗ trợ gì cả. Cộng với 10 ngày trước khi đi có chấm công.
Tháng đó trả thiếu 10 ngày lương. Kiến nghị thì họ trả đủ nhưng sang tháng 11 thì lại không có lương. Trong khi thực tế viết kịch bản là phải mấy tháng mới xong. Chúng tôi nộp từng phần kịch bản viết hàng tháng theo tiến độ mà vẫn không có lương. Tiếp tục kiến nghị thì họ lại hứa hẹn nhưng vẫn kéo dài không chịu trả. Tháng 12 cũng không có lương.
Kiến nghị mãi. Ông Vương Đức đã ký, ông Nguyễn Danh Thắng cũng ký mà kế toán còn hạnh họe nên mãi hôm qua mới được tạm ứng lương tháng 11”. “Hài hước” hơn, những nghệ sĩ quay phim không được trả lương vì… không quay phim. Nhưng phim ở đâu mà quay? Theo NSƯT đạo diễn Nguyễn Đức Việt: “Họ không trả lương, gây khó khăn để nghệ sĩ chán bỏ đi. Nhưng chúng tôi yêu VFS lắm”.
VFS có thực sự vì điện ảnh và muốn làm phim không? Hay chỉ vì những mảnh đất vàng ở những vị trí đắc địa?. Theo đạo diễn Nguyễn Xuân Thành: “Họ không giao việc gì nhưng lại bắt mọi người báo cáo lao động hàng tháng. Tôi đã gửi cả kịch bản cùng với dự án phim khả thi cho họ cùng một lá đơn đề xuất. Tôi cần họ nói rõ nếu tôi mang dự án về thì có được trả lương không? Tỷ lệ phần trăm như thế nào nhưng họ không đọc mà nói không khả thi nên tôi đã đòi lại. Gửi cho họ cũng vô ích vì mục đích của họ khác”.
Bên cạnh việc không trả lương, không có kế hoạch phát triển VFS cụ thể, nghệ sĩ VFS còn bức xúc về việc những đạo cụ, phục trang bị di dời khỏi trụ sở. Ngày 30/10/2017, nếu Bộ VHTTDL không yêu cầu Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) dừng triển khai việc bán đấu giá tài sản Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thì có lẽ nhiều tài sản đã bị bán khi việc cổ phần hóa chưa xong.
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã không đem lại niềm vui như mong muốn. Vì vậy, dư luận, khán giả yêu điện ảnh nước nhà và những nghệ sĩ gắn bó với hãng phim đều hy vọng những kết quả thanh tra và những giải pháp sắp được công bố.