Sau khi cổ phần hóa, cơ sở vật chất của VFS, nay là Công ty cổ phần đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam rơi vào cảnh điêu tàn. Nhiều nghệ sĩ trong một thời gian dài đã phải ra ngoài kiếm sống. Xung quanh vấn đề này, ngày 24/3, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trả lời nhiều vấn đề liên quan…
Chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) Phan Linh Chi, cho biết đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc sau quá trình cổ phần hóa ở hãng phim. Tuy nhiên, Nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hợp tác tích cực. “Đến nay, họ vẫn chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của Hãng Phim truyện Việt Nam” – bà Chi cho biết.
Theo bà Chi, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về sự việc. Hai cơ quan này tham vấn rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không thể đơn phương thu hồi cổ phần đã bán cho Vivaso. “Nếu Vivaso đưa ra con số, chúng tôi sẽ có kế hoạch gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đưa ra lộ trình thu hồi vốn”- bà Chi nói.
Trước vấn đề nhiều cán bộ nhân viên, nghệ sĩ của hãng bị cắt lương, bảo hiểm, bà Chi giải thích, theo quy định, nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ, có quyền chi phối mọi hoạt động, chi trả lương, bảo hiểm. Tuy nhiên, do sự vướng mắc giữa ban lãnh đạo và người lao động, hãng phim không có hoạt động gì trong 6 năm qua. Bà Chi cho biết trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 22/3, Bộ báo cáo chi tiết những vướng mắc, chờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, bà Chi cũng cho biết, trước khi tiến hành việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Bộ cũng đã bàn các phương án tìm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, do điện ảnh là lĩnh vực đặc thù nên không hề dễ tìm nhà đầu tư. Bộ cũng đã làm việc với một số đơn vị. Năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam từng gửi văn bản muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhưng sau đó rút lại ý định do không đủ tiềm lực tài chính. Chính vì thế, đến thời điểm hiện tại, Bộ VHTTDL vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược mới thay Vivaso.
“Trước đó, từ năm 2018, Bộ Tài chính đã có phương án trích Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để nhà nước mua lại số cổ phần của Vivaso. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực không cho phép thực hiện phương án này nữa” - bà Chi nói.
Về hướng giải quyết vụ việc, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nêu rõ, quan điểm của Bộ là nhìn thẳng vào khó khăn vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, bởi các vấn đề của hãng phim đã có từ trước, không thể giải quyết một việc mà phải giải quyết nhiều việc. Bộ đang rất tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất Thủ tướng các giải pháp cụ thể tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc này.
Tài sản hư hỏng chỉ là bản copy
Cũng liên quan đến thông tin này, trước đó NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng nhiều nghệ sĩ chia sẻ những hình ảnh về sự đổ nát, xuống cấp của kho lưu trữ phim. Theo đạo diễn, kho lưu trữ phim của Hãng Phim truyện Việt Nam đã tồn tại 40 năm nay. Trong một quá trình dài như vậy, máy điều hòa không bao giờ nghỉ. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược đã không cho bảo quản như trước đây khiến hơn 300 bản phim bị ẩm mốc từ ngoài vào trong.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính cũng thông tin, Hãng Phim truyện Việt Nam có tất cả 291 phim đang lưu giữ thì có 278 bản phim gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Tất cả các bản phim được Nhà nước đầu tư đều có bản phim gốc lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu tại Viện Phim Việt Nam vì đây là những phim làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị bên ngoài như “Điện ảnh chiều thứ Bảy” của Đài Truyền hình Việt Nam hay các phim hợp tác sản xuất bên ngoài. Vì thế các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sẽ bị mất mát.
Tại buổi họp báo, Cục Phó Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cũng cho biết thêm, trong quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam phát sinh nhiều vấn đề khiến nhiều bộ phim không được lưu trữ cẩn thận. Tuy nhiên, các bản phim hỏng đều là bản “copy” (bản sao) chứ không phải bản gốc. Hiện nay, tất cả các bản gốc đang được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, thuộc quyền khai thác của đơn vị đặt hàng, chủ sở hữu là Bộ VHTTDL.
Tại buổi họp báo, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL cũng đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; vấn đề cấp visa du lịch; đời sống của cán bộ, hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa; thực trạng của các hãng phim nhà nước; quá trình phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú...