Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP HCM bước sang ngày làm việc thứ 12 xét xử phúc thẩm vụ đại án kinh tế Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) cùng các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB.
Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm tại phiên tòa ngày 16/1 (Ảnh: Hồng Phúc).
Tại phiên xét xử này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao, giữ quyền công tố đã phản bác lại ý kiến của các đương sự và các luật sư bào chữa và tái khẳng định tội danh và mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm của vụ án là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Theo đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh cho rằng không có thiệt hại trong số tiền 5.190 tỷ đồng nhưng đại diện VKSND khẳng định các hành vi của bị cáo Danh và các đồng phạm trong vụ án đã cho thấy việc thực hiện rút tiền khỏi VNCB.
Chẳng hạn, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ của VNCB) đã tham gia vào quá trình hoàn thiện các thủ tục để cho bị cáo Danh rút tiền của VNCB.
Bị cáo này cũng đã ký để các bị cáo khác rút tiền nên đóng vai trò đồng phạm. Trong khi đó, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc chi nhánh Sài Gòn của VNCB) đã có chữ ký trong việc chuyển số tiền 5.190 tỷ đồng đã cho thấy việc quy kết tội danh đồng phạm đối với bị cáo này là có căn cứ, cũng như cho thấy thiệt hại trong số tiền trên.
Đại diện VKSND cũng chứng minh qua các lời khai trước tòa, các bút lục lời khai cho thấy Phạm Công Danh lập ra 12 công ty và các hợp đồng khống của các công ty này đều thực chất là chỉ đạo từ bị cáo Danh, cũng như lấy pháp nhân để vay tiền.
Tuy nhiên, ngay cả về các hồ sơ cho vay của các công ty này cũng đều không thẩm định trực tiếp thực tế, không có báo cáo tài chính.
Đại diện VKSND cũng giữ nguyên quan điểm cho rằng cha con ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) đều là các đồng phạm trong vụ án. Do đó các đề nghị cấm xuất cảnh và xem xét trách nhiệm hình sự đối với các đương sự này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Đại diện cơ quan công tố cho rằng, căn cứ vào hồ sơ thì có thể xác định bị cáo Danh và ông Thanh là có quan hệ vay mượn trong một thời gian dài.
Trong đó, số tiền 5.190 tỉ đồng được chuyển từ bà Trần Ngọc Bích sang tài khoản bị cáo Danh là có sự đồng ý của chủ tài khoản, là bước hoàn tất để bị cáo Danh rút tiền.
Từ đó, VKSND giữ nguyên quan điểm quy kết ông Thanh và bà Bích là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Danh rút tiền trái pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cơ quan công tố chưa xem xét đến các yếu tố nguyên nhân và bối cảnh phạm tội của thân chủ của mình.
Bởi vì, những sai phạm do VKSND quy kết đối với bị cáo Danh đều nằm vào thời điểm mà bị cáo này đang cùng với các cộng sự nỗ lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) nhưng đáng tiếc là đề án này đã không thành công và dẫn đến thua lỗ.
Theo luật sư này, về hình thức thì bị cáo Danh còn nợ ông Trần Quý Thanh 5.190 tỷ đồng và bị cáo Danh phải trả cho ông Thanh toàn bộ số tiền này và các chi phí, tiền lãi phát sinh. Còn số tiền lãi ngoài bị cáo Danh chuyển cho ông Thanh cần phải được thu hồi là đúng cơ sở pháp luật.
Cơ quan công tố cho rằng các số tiền nêu trên từ phạm tội mà có nên thu hồi lại là hoàn toàn có căn cứ. Đối với một số khoản tiền là vật chứng của vụ án nên cũng phải được thu hồi.