Cơ sở chế biến nước mắm gây ô nhiễm

Nguyễn Chung - Ngọc Hưng 22/10/2015 07:10

Trong suốt thời gian qua, người dân thôn Bắc Châu, xã Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) luôn chìm trong không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi mùi tanh, hôi nồng nặc từ 2 cơ sở chế biến nước mắm chượp trong thôn gây ra, làm mọi sinh hoạt bị đảo lộn… Người dân bức xúc từng chặn xe chở cá, kéo lên UBND xã để phản đối, nhưng sự việc không được giải quyết.

Cơ sở chế biến nước mắm gây ô nhiễm

Người dân phản đối cơ sở sản xuất mắm gây ô nhiễm môi trường.

Theo đơn phản ánh của các hộ dân thôn Bắc Châu về 2 cơ sở chế biến mắm chượp, được biết: Năm 2013 gia đình bà Nguyễn Thị Thêu hành nghề chế biến nước mắm, với 13 bể chứa, khoảng 100 tấn. Từ đó tới nay cơ sở này luôn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các hộ dân trong thôn, nhất là vào những ngày chuyển nồm, mùi tanh, hôi phát tán ra xung quanh khiến người dân vô cùng khổ sở.

Việc gia đình bà Thêu gây ô nhiễm môi trường chính quyền địa phương biết và cũng đã có nhiều động thái xử lý, tuy nhiên tình trạng cũng không được cải thiện, thậm chí việc ô nhiễm còn nặng nề hơn. Đơn cử như ngay trong tháng 10-2014, thêm một cơ sở chế biến mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Khâm (gần nhà bà Thêu) tiếp tục xây dựng nhà kho và 8 bể mắm, với tổng lượng chứa lên đến khoảng 160 tấn.

Chúng tôi về thôn Bắc Châu để tìm hiểu đúng vào ngày khá oi ả. Ngay từ đầu thôn đã ngửi mùi tanh, hôi thối nồng nặc phát ra từ hai cơ sở chế biến mắm chượp. Nhiều người dân cho biết: Khổ nhất là những người già và các cháu nhỏ thường xuyên bị các bệnh về hô hấp.

Ông Phạm Văn Sỹ - một hộ dân sống đối diện với cơ sở nhà bà Khâm cho biết: “Cơ sở sản xuất nhà bà Thêu khiến chúng tôi vô cùng khổ sở rồi, giờ lại thêm chỗ sản xuất nhà bà Khâm nữa, không biết rồi người dân như chúng tôi phải đối phó ra sao với sự ô nhiễm không khí đây?!”.

Ông Sỹ cũng cho biết thêm: Vào ngày 13/10, cơ sở chế biến của bà Khâm chở 3 xe khoảng 10 tấn cá nguyên liệu về xưởng, người dân đã kéo ra chặn không cho xe chở vào vì xưởng của bà chưa được cấp phép, đồng thời báo cáo lên xã. Phía chính quyền xã đã phối hợp với công an huyện về làm việc đến 23h cùng ngày, đồng thời hứa với người dân là đến ngày 14/10 sẽ thông báo kết quả giải quyết.

Thế nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Buổi chiều các hộ dân kéo lên xã, mấy ông cán bộ cho biết: Phía huyện đã cấp phép cho bà Khâm.(?)

“Cứ vài hôm, xã lại xuống kêu cơ sở này lên giải quyết. Không biết giải quyết thế nào mà mọi chuyện lại vẫn đâu vào đấy. Từ chỗ xây dựng không phép, sau một thời gian đã hợp thức hóa thủ tục hành chính. Dù có phép hay không có phép chúng tôi vẫn cương quyết phản đối, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư” – ông Sỹ bức xúc nói.

Tìm hiểu thêm, được biết: Vào ngày 12/12/2014, UBND huyện Tĩnh Gia có công văn số 2079 UBND-TNMT do ông Phạm Văn Nhiệm, Phó chủ tịch huyện ký với nội dung xử lý ô nhiễm môi trường theo kiến nghị của nhân dân tại thôn Bắc Châu, xã Hải Châu.

Theo đó, qua kết quả kiểm tra thực tế: Hộ bà Nguyễn Thị Khâm chưa có hồ sơ về bảo vệ môi trường, chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chưa có biện pháp giảm thiểu khí thải (mùi). Yêu cầu bà Khâm dừng việc xây dựng thêm các ô mắm chượp và các công trình chưa được cấp phép. Phải thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy định. Yêu cầu bà Nguyễn Thị Thêu nghiêm túc thực hiện theo các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Đồng thời giao cho UBND xã Hải Châu tăng cường công tác quản lý xây dựng, phát hiện, xử lý và giải quyết sai phạm kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Có kế hoạch di dời các hộ sản xuất, chế biến thủy sản ra khỏi khu dân cư.

Công văn chỉ đạo của huyện là thế, nhưng gần một năm sau, mọi việc vẫn “y như cũ”. Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Minh Phụng, Chủ tịch UBND xã Hải Châu khá thờ ơ cho biết: Người dân thôn Bắc Châu yêu cầu không được làm mắm trong khu vực này và vận chuyển mắm ra ngoài. Đây là thẩm quyền của huyện, xã không làm được. Bà Khâm tự ý xây dựng không báo cáo xã, khi phát hiện chúng tôi xuống lập biên bản xử phạt hành chính 3 triệu đồng, hướng dẫn bà ấy hoàn tất thủ tục.

Xã đang từng bước quy hoạch các hộ sản xuất nước mắm ra 1 khu vực riêng, nhưng do còn khó khăn nên chưa làm được. “Về trường hợp nhà bà Khâm chúng tôi đang chờ kết luận của huyện mới có hướng giải quyết!”, ông Phụng “đá” quả bóng trách nhiệm về phía huyện.

Trước phản ánh của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đoàn Thanh Chung, Phó phòng TNMT huyện Tĩnh Gia, ông Chung cho biết: Năm 2014, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng đã xuống kiểm tra và tham mưu cho huyện ra công văn số 2079 UBND-TNMT, giao trách nhiệm cụ thể cho 2 hộ và UBND xã.

Dựa trên các quy định huyện đã cấp giấp xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho cơ sở sản xuất mắm chược của hộ bà Nguyễn Thị Khâm.

“Chúng tôi sẽ về thôn Bắc Châu kiểm tra thực tế, nếu không đúng cam kết bảo vệ môi trường, sẽ đình chỉ sản xuất đối với cơ sở bà Khâm.” -ông Chung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở chế biến nước mắm gây ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO