Kinh tế

Cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động cầm chừng

Khanh Lê 06/07/2024 09:35

Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023 đưa ra mục tiêu phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, hiện phần lớn cơ sở giết mổ đáp ứng tiêu chuẩn chỉ hoạt động cầm chừng.

anh-bai-tren(1).jpg
Dây chuyền giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam tại thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Lượng.

Khó cạnh tranh về giá

Theo thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến nay cả nước mới có 345 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhưng số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cả nước vẫn còn tới 24.654 cơ sở, điều đáng nói là hiện tại các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Trong khi số lượng cơ sở giết mổ nhiều nhưng chưa được kiểm soát, số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngừng hoạt động hoặc cầm chừng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam nhìn nhận, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập về chính sách. Theo đó, quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc quản lý chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ hoạt động không phép, vi phạm quy định.

Giám đốc Nhà máy giết mổ lợn CP tại Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Kiều Đình Thép cho biết, mặc dù nhà máy giết mổ lợn của công ty tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa được trang bị dây chuyền máy móc hiện đại, xây dựng trên diện tích đất 6ha, công suất giết mổ 2.000 con lợn/ngày. Tuy nhiên, đến nay nhà máy mới chỉ giết mổ vài trăm con lợn/ngày, quá thấp so với công suất thiết kế.

Nguyên nhân là do cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn rất nhiều, nên các nhà máy giết mổ hiện đại rất khó cạnh tranh về chi phí giết mổ (nếu chi phí giết mổ tại nhà máy lên đến 4.500 đồng/kg thịt lợn, thì giết mổ nhỏ lẻ chỉ mất khoảng 700 đồng/kg thịt lợn. Do đó, đầu ra sản phẩm thịt của nhà máy chủ yếu cung cấp cho các siêu thị và các cửa hàng tiện ích…

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm nông sản Biển Đông (tỉnh Nam Định) Vũ Trọng Nghĩa cũng cho biết, năm 2018, công ty xây dựng và khánh thành nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn Biển Đông tại tỉnh Nam Định, nhưng đến nay hoạt động rất khó khăn do giá thành sản phẩm sau giết mổ tại các nhà máy tiêu chuẩn cao hơn lò mổ thủ công.

“Chính sách nhà nước ban hành khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở nhà máy đủ tiêu chuẩn chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả chưa rõ rệt. Trong khi đó, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, thủ tục rườm rà khi xây dựng nhà máy…” - ông Nghĩa nói.

Gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu

Theo các chuyên gia, việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm đến với người tiêu dùng. Song hiện nay khâu này đang bị buông lỏng, hệ lụy là đã có nhiều vụ ngộ độc do thực phẩm xảy ra, chưa kể không quản lý tốt việc giết mổ gia súc, gia cầm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nhập lậu thực phẩm gia tăng.

Thực tế tại Vĩnh Phúc, theo thống kê hiện toàn tỉnh có 644 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, được thực hiện kiểm soát giết mổ do cấp tỉnh quản lý, 642 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ do cấp huyện, cấp xã quản lý. Trong số 642 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, chỉ có 330 cơ sở ký cam kết an toàn thực thẩm, 27 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ bình quân mỗi ngày từ 10 - 15 con gia súc, 2.000 - 3.000 con gia cầm, trong khi đó, số lượng gia súc, gia cầm không được kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm nhỏ lẻ lên tới hơn 5.000 con mỗi ngày.

Trước thực tế trên nhằm chấn chỉnh, khắc phục bất cập trong công tác quản lý đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý đối với cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Về giải pháp lâu dài, theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi quy mô lớn vào đầu tư.

Ngoài ra, xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp cần gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung để bảo đảm nguyên liệu đầu vào và vận chuyển sản phẩm; đổi mới hình thức truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng về sử dụng thịt mát, cấp đông bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì sử dụng thịt nóng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động cầm chừng