Cơ quan điều tra đã xác định người bạo hành cụ Đ. chính là con gái ruột của cụ tên H. Cơ quan điều tra đang làm việc với bà H. để làm rõ hành vi bạo hành gia đình, ngược đãi cha mẹ già...
Sáng 8/9, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công an tỉnh Long An cho biết đang tích cực điều tra vụ con gái đánh đập, chửi rủa, đổ phân lên đầu mẹ già, xảy ra tại huyện Cần Đước.
"Công an huyện đã mời những người liên quan lên làm việc và xác định người có hành vi xúc phạm, bạo hành bà Đ. (79 tuổi) là bà N.T.H. (sinh năm 1964, con gái bà Đ.). Bà H. khai nhận do mâu thuẫn với mẹ nên có những hành động như trong clip lan truyền trên mạng. Sự việc xảy ra cuối năm 2019 và được con bà H. ghi lại. Ngày 2/9, sau khi bà Đ. mất thì con gái bà H. đưa clip lên mạng", đại diện Công an tỉnh Long An thông tin.
Theo đại diện Công an tỉnh Long An, cụ bà Đ. trước khi qua đời đã sinh sống cùng bà H. và hai người cháu tại ấp 4, xã Long Hòa, huyện Cần Đước. Giữa cụ Đ. và bà H. thường xảy ra mâu thuẫn; hàng xóm đã nhiều lần nghe thấy bà H. la mắng cụ Đ.
"Cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi bạo hành gia đình của bà H. và có thể khởi tố vụ việc. Tất cả hành vi bạo hành, làm nhục bà Đ. đã được clip ghi lại nên có thể sẽ sớm khởi tố", đại diện Công an tỉnh Long An thông tin thêm.
Trước đó, ông Huỳnh Văn Quang Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cần Đước đã có văn bản chỉ đạo công an huyện phối hợp công an xã Long Hòa làm rõ sự việc. Ông Hùng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm người phụ nữ bạo hành cụ bà và báo cáo vụ việc chậm nhất ngày 8/9/2020.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TPHCM cho biết rất bức xúc vì hành động của người phụ nữ bạo hành cụ bà trong clip. Đồng thời, càng phẫn nộ hơn khi được biết người bị ngược đãi chính là mẹ của người phụ nữ này.
"Từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn rất coi trọng chữ hiếu. Đây là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp cần duy trì và phát huy. Đồng thời, nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ cũng đã được pháp điển hóa trong một số quy định pháp luật. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật”, ông Chánh thông tin.
Theo ông Chánh, đứng dưới góc độ xã hội, hành vi đánh đập, đối xử tệ bạc với chính mẹ của mình là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và rất đáng bị lên án. Đồng thời, hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Về xử lý hành chính: Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi đánh đập mẹ mình của người phụ nữ (nếu gây ra thương tích) có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mẹ mình có thể bị phạt tiền với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Qua 1 video thì chưa phản ánh được hết được tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Vì vậy, các cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ cũng như xác định việc bạo hành của người phụ nữ này đối với mẹ mình xảy ra trong 1 lần hay nhiều lần.
"Nếu hành vi diễn ra thường xuyên thì người phụ nữ này có dấu hiệu của Tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” được quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo điểm a khoản 2 Điều 185 BLHS thì hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ là người già yếu sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm", ông Chánh nhấn mạnh.