Thực tế thị trường những ngày đầu năm mới Quý Mão cho thấy, nguy cơ thiếu hụt lao động sau Tết sẽ tập trung chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, ngành gỗ, chế biến thực phẩm…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), thị trường lao động đầu năm dù không lo thiếu nhân lực, tuy nhiên, quý I và quý II sẽ có hiện tượng thiếu việc làm ở các ngành dệt may, da giày và chế biến gỗ, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Cụ thể theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người, con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể tiếp tục xảy ra đến hết quý I/2023, do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động.
Đưa ra giải pháp giữ ổn định cung – cầu thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, dựa trên phân tích cung cầu thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm, nhất là dịp cuối năm 2022 cho thấy, người lao động rất quan tâm đến vấn đề tiền lương, phụ cấp, chế độ ưu đãi khi làm việc. Việc tăng lương, phụ cấp cũng là điều mà nhiều người lao động mong chờ trong năm 2023, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp giữ chân được người lao động gắn bó lâu dài.
Thực tế khảo sát lương 2023 do Navigos Group công bố mới đây cũng cho thấy, xét về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, thì lương và môi trường làm việc tiếp tục là 2 sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 13,56% và 11,27%.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, năm 2023 sẽ là một năm nhiều thách thức với thị trường lao động, không chỉ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, mà còn là thiếu hụt nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Do đó trước mắt, Bộ sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Về lâu dài Bộ sẽ xây dựng một lưới an sinh xã hội gắn liền với đảm bảo việc làm không chỉ chủ động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, mà còn tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại.