Nghe vô lý nhưng lại có thật khi mà cho đến thời điểm này việc giải ngân nguồn vốn công, vốn ODA (vốn vay nước ngoài, hay còn gọi là hỗ trợ phát triển chính thức) đều chậm trễ. Con số lên tới cả vài ngàn tỷ đồng.
Trước, còn nói do đại dịch Covid-19 mọi sự ngưng trệ nên khó giải ngân, khó đưa vốn vào sản xuất. Nhưng nay, cách giải thích đó nghe chừng không ổn. Chỉ nêu một việc để so sánh: cùng một môi trường, một hoàn cảnh nhưng sao người dân vẫn bung ra ào ào để sản xuất kinh doanh, còn các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao những khoản tiền khổng lồ, những dự án đã được phê duyệt từ lâu thì lại vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Sáng 29/10, kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình về thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cương quyết thay cán bộ không biết làm việc, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Như vậy là Thủ tướng đã chỉ ra nguyên nhân chính yếu nhất trong việc làm nghẽn dòng vốn đưa vào xã hội, đó chính là “virus trì trệ”, thiếu trách nhiệm của những cán bộ được giao nhiệm vụ, giao quyền trong vấn đề này.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020, ước đến ngày 31/10, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp. Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất cũng chỉ 44,8%. Có tình trạng chậm hoàn thành thủ tục rút vốn và chậm giải ngân với số vốn kiểm soát chi nhưng chưa giải ngân (trên 2.797 tỷ đồng) và khối lượng công việc đã hoàn thành nghiệm thu (khoảng 4.533 tỷ đồng) hoàn tất thủ tục rút vốn và giải ngân.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỷ đồng).
Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được, còn làm việc nửa vời thì không ổn. Phải rà lại các nguyên nhân xem chủ đầu tư, chủ dự án đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình hay chưa.
Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn thì ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Vậy mà, khi đã có ODA rồi lại không đưa được vào cuộc sống, thì có tiền cũng như không. Thật dễ hiểu là việc kiếm ra tiền khó gấp vạn lần tiêu tiền, thế nhưng trong trường hợp này lại ngược, như một nghịch lý: Tiền đọng ở nhiều nơi trong khi đất nước lại rất cần phải phát triển.
Chỉ rõ nguyên nhân khiến dẫn đến tình trạng ách tắc dòng vốn đầu tư, Thủ tướng nói rằng các bộ, ngành, địa phương “phải để tâm vào” chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập. “Các bộ, ngành, địa phương” phải được hiểu là cán bộ cụ thể có tên có tuổi cụ thể chứ không phải là một tổ chức chung chung nào đó. “Quả bóng trách nhiệm” không thể cứ đá qua đá lại, rồi trút hết lỗi cho tập thể. Nếu vậy, “muôn đời vẫn thế”, không chỉ trong việc giải ngân dòng vốn đầu tư mà còn ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Đã không ít lần, về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, Thủ tướng đã nhấn mạnh cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA. Trong lúc đất nước rất khó khăn, không có công trình dự án, không cải thiện đời sống người dân thì làm sao phát triển đất nước.
Từ đó mới thấy, lỗi của bộ máy, của cán bộ được giao việc lớn đến thế nào. Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân. Số tiền thật lớn cũng là sự trì trệ, thiếu trách nhiệm rất lớn.
Cũng về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, giải ngân nhanh hay chậm do cách làm và quyết tâm của người đứng đầu. Được hiểu là, nếu chậm trễ thì là do người đứng đầu không quyết tâm.
Nhân đây cũng cần nhắc lại, ODA không phải là tiền nước ngoài cho không, mà là tiền đi vay. Lãi suất thấp hay cao gì cuối cùng vẫn phải trả. Nếu bây giờ không làm, không trả nổi thì gánh nặng ấy sẽ trút sang vai con cháu chúng ta. Nói một cách hình ảnh thì sự chậm chạp của ngày hôm nay sẽ khiến con cháu chúng ta trở thành “con tin” của nước ngoài. Lúc ấy, các thế hệ sau nghĩ gì về người ngày hôm nay?
Từ nay tới cuối năm, chỉ còn 2 tháng, thời gian nhanh tựa thoi đưa. Nếu không cương quyết thì mọi sự khó thay đổi. Người dân hy vọng khi hết năm, nơi nào lề mề chậm chạp, để phí hoài dòng vốn hiếm hoi của đất nước thì người đứng đầu và bộ máy trực tiếp điều hành phải bị xử lý nghiêm, công khai để toàn dân biết. Trước nay, có sự điều chuyển vốn, nhưng chưa thấy người cụ thể nào bị kỷ luật cả. Vậy, lần này thì sao?