Có tuổi hai mươi

Cẩm Anh 26/03/2021 08:00

Tháng 3, nghĩ tới thanh niên là nghĩ tới hoài bão và khát vọng đầy sức trẻ hệt như hơi xuân đang còn tràn ngập đất trời.

Trung ương Đoàn tổ chức trao học bổng tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tại chương trình khởi động Tháng Thanh niên năm 2021. Ảnh: An Chinh.

Nhưng nhắc đến thanh niên, chắc không khỏi khiến mọi người lớn đều thấp thỏm: Trong mịt mùng bủa vây của cám dỗ, của cạm bẫy, của thông tin cả xấu và tốt, thanh niên Việt Nam hiện nay đang ở đâu? Và như thế nào?

Tháng ba, hoa ban trắng muốt bung nở dọc nhiều con đường ở Hà Nội. Tinh khiết loài hoa của núi rừng. Man mác cảm giác đất trời Tây Bắc đang ở đây, giữa lòng Hà Nội. Tháng ba, cũng tinh khiết và thanh cao, trắng muốt các ngả đường Hà Nội màu hoa sưa trắng. Và bổ sung vào màu sắc của đất trời, rực rỡ màu hoa gạo đỏ. Mùa này, còn là mùa hoa vải, hoa nhãn, mùa ong đi lấy mật, mùa của sắc và hương…

Tha thiết giữa những màu hoa, những mùi hoa, có ký ức về những người con không trở về, linh hồn họ nằm lại ở những cột mốc biên cương, tan vào nước biển quê hương, thành muối mặn, thành sóng vỗ về những đảo nổi, đảo chìm. Không ai, không điều gì bị quên lãng. Không sự hi sinh nào là uổng phí. Lịch sử không phải là thứ vô nhân xưng - lịch sử có tên gọi.

Tháng 3, không khỏi bùi ngùi nhớ đến những thế hệ thanh niên đáng tự hào hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đã có “những tuổi 20 thành sóng nước”, những “Tuổi 20 ai mà chẳng tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc/ Cỏ mềm và sắc quá phải không em”...

Tháng 3, nghĩ về thế hệ thanh niên và đoàn viên thanh niên hôm nay là nghĩ đến một thế hệ đang trẻ trung, sung sức, được hưởng thụ điều kiện vật chất đầy đủ và dễ dàng hội nhập cùng thế giới. Thế thì cái tinh thần sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc của thanh niên hôm nay có còn như ở thế hệ đi trước hay không?

Trong lịch sử 90 năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chúng tôi tin rằng cho tới tận hôm nay, tinh thần sẵn sàng của tuổi trẻ vẫn là nguồn mạch chính. Trước đây, tổ chức Đoàn luôn có những phong trào khơi dậy tinh thần tuổi trẻ: Sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Chúng ta nhớ lại thời điểm ra đời phong trào “Ba sẵn sàng”. Đêm 9/8/1964 tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng tập trung khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Thành đoàn Hà Nội đã đọc lời kêu gọi “Ba sẵn sàng” tới thanh niên Thủ đô. Tháng 3/1965 Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô….

Nhắc đến tuổi trẻ hôm nay cũng phải thành thực nhận thấy thời đại toàn cầu hóa đang đặt thanh niên Việt Nam trước nhiều thách thức. Họ là thế hệ lớn lên được thụ hưởng những thành quả của quá trình đổi mới đất nước. Đến lượt mình họ tiếp tục có những cống hiến, đóng góp cho những giá trị tích cực, tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, sự biến đổi của đời sống xã hội cũng đã khiến thanh niên phải chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ từ những vấn đề mặt trái, những biểu hiện tiêu cực của xã hội, thậm chí khiến một bộ phận thanh niên có tâm lý và hành vi lệch chuẩn. Ở đâu đó có những biểu hiện của xu hướng thực dụng, sống gấp, hời hợt... Từ quá khứ đáng tự hào như vậy, bây giờ nói đến thanh niên có nên bi quan hay không khi có một bộ phận thanh niên “thần tượng” Khá bảnh, hoặc đánh nhau, đua xe quay clip tung lên mạng…?

Câu trả lời là dù đó là sự thật nhưng hiện nay có một thực tế thuyết phục hơn là hiện nay hàng triệu triệu bạn trẻ vẫn đang hăng say lao động, học tập, sản xuất kinh doanh. Nhìn vào những hiện tượng xấu của thanh niên nhưng không bi quan. Bởi vì những người ở biên cương, những người xung kích vẫn là những người trẻ. Ngay cả trong đội ngũ doanh nhân, những người thành đạt, thành công hiện nay cũng đa phần là trẻ. Còn trong cuộc sống hàng ngày, khi cần hàng vạn thanh niên sẵn sàng hiến máu cứu người, sẵn sàng hi sinh.

Chưa bao giờ khát vọng khởi nghiệp lại cháy bỏng như bây giờ. Đây là vấn đề chính cần được đặt ra vào những ngày tháng 3 rất đậm không khí tuổi trẻ này. Không ai khác ngoài nhiệt huyết và hoài bão thanh niên phải là lực lượng quan trọng nhất của khởi nghiệp và kiến tạo đất nước.

Trên mạch dòng chảy chính, chắc chắn vẫn là tuổi trẻ với khát vọng tử tế và lành mạnh. Mỗi người tự chọn cho mình những hoài bão và có những cách thức khác nhau để đi trên con đường ấy. Trách nhiệm của xã hội là giáo dục, thử thách, trao quyền và tin tưởng ở thế hệ trẻ. Và khơi lên ở thế hệ trẻ khát vọng khởi nghiệp, để khát vọng của mỗi người Việt Nam trở thành khát vọng của cả dân tộc về một đất nước thịnh vượng.

Khởi nghiệp đối với thanh niên không đơn thuần là con đường trải đầy hoa hồng. Nhưng đối với tuổi trẻ, chỉ có được thử thách trong gian nan, thành công mới thực sự bền vững. Mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân các bạn trẻ. Mỗi người có một cách khởi nghiệp khác nhau, đích đến có thể cũng khác nhau, nhưng giá trị tạo ra thì chỉ có ý nghĩa khi tạo lập được những giá trị có ích cho bản thân và cho xã hội. Chỉ có thể tạo ra một quốc gia khởi nghiệp nếu mỗi cá nhân bạn trẻ không phải chỉ hướng tới mục tiêu thuần túy là lợi nhuận ngắn hạn trước mắt và bất chấp những giá trị về văn hóa, môi trường…

Khởi nghiệp như thế, với thế hệ trẻ, phải gắn chặt với sáng tạo. Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là sự sáng tạo của con người. Không có thứ tài nguyên nào vô tận và vĩnh cửu như khả năng sáng tạo. Càng không có thứ tài nguyên nào giàu có như sự sáng tạo của tuổi trẻ, của sức trẻ, của nhiệt huyết và khát vọng thanh niên.

Không sợ thất bại khi khởi nghiệp, chỉ sợ thanh niên không có khát vọng khởi nghiệp. Hiểu đúng đắn và đầy đủ về khởi nghiệp, về sáng tạo, chúng ta mong mỏi có một thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám khởi đầu trên con đường còn nhiều khó khăn trước mắt.

Tháng 3, khát vọng thanh niên sẽ được khơi lên, biến những ước mơ và hoài bão thành hiện thực. Khởi nghiệp không phải chỉ có một con đường là trở thành ông chủ, là phải tìm kiếm được lợi nhuận cao. Khởi nghiệp cũng không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao mà có khi chỉ là những công việc giản dị, những điều bình thường với những giải pháp mới, sáng tạo. Ý tưởng cho khởi nghiệp, đối với mỗi thanh niên, dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, miễn là nó tạo cho bạn sống với ước mơ của mình và qua đó tạo ra giá trị cho xã hội. Nhưng chỉ có thể khởi nghiệp nếu có đủ niềm tin, có những khát vọng cháy bỏng, duy trì ngọn lửa đam mê và hoài bão của mình.

Nếu chưa bắt đầu thì không bao giờ tới đích. Tuổi trẻ ngày nay, như mọi thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, sẽ tiếp tục con đường đi, khởi nghiệp và sáng tạo, tiếp tục viết tiếp một lịch sử đất nước giàu có, thịnh vượng, nhiều khát vọng.

Đó là thông điệp quan trọng của tháng 3, đó là mục đích mà tuổi trẻ cần hướng tới, một cách nghiêm túc. Thanh niên là rường cột của nước nhà là ở ý nghĩa ấy. Ngoài những hoạt động mang tính bề nổi phong trào thì sức mạnh của thanh niên, sức mạnh của tuổi trẻ là ở khát vọng vươn lên, ở khả năng sáng tạo không bao giờ vơi cạn.

Mặt khác, cũng cần những giải pháp để khơi lên khát vọng thanh niên. Trong khi báo chí ngày nay lúng túng trong việc tìm, phát hiện và nêu gương những “điển hình” thanh niên theo hướng tích cực thì có vẻ những “hình mẫu điển hình” kiểu Khá bảnh theo chiều hướng xấu lại đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Tuổi trẻ tiếp cận công nghệ và thông tin rất nhanh. Nhưng có cách nào để thanh niên làm chủ tri thức nhân loại và biết chọn lọc thông tin. Thực tế nhiều nghiên cứu cho thấy, không phải thanh niên ngày nay ít lý tưởng và hoài bão cao đẹp trong cuộc sống, chỉ có điều họ chưa tìm ra hoặc chưa đủ kiên nhẫn để đi theo con đường nhiều hi sinh. Xã hội thì còn tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực, nhiều cạm bẫy và cám dỗ…

Trách nhiệm của “người lớn” theo chúng tôi là giáo dục, thử thách, trao quyền và tin tưởng ở thế hệ trẻ. Từ góc độ khoa học, thanh niên vừa là chủ thể vừa là khách thể của quá trình xã hội hóa cho đến khi họ có đủ khả năng trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội. Đòi hỏi như người trưởng thành ở thanh niên mà xem nhẹ môi trường giáo dục thì thanh niên sẽ thất bại vì thiếu trình độ, phẩm chất tương xứng với yêu cầu công việc. Coi trọng giáo dục mà xem nhẹ tin tưởng, trao quyền, thì thanh niên lúc nào cũng vẫn chỉ là… “trẻ em”. Các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần phải kết hợp linh hoạt của cả hai quá trình này thì mới có thể tạo được môi trường tốt nhất cho sự phát triển của thanh niên.

Thanh niên là rường cột của nước nhà. Và những tuổi 20 bao giờ cũng thế, tràn đầy sức trẻ của hoài bão và khát vọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có tuổi hai mươi