“Tôi thông báo với John Bolton đêm qua rằng ông ấy không cần làm việc ở Nhà Trắng nữa”- Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 10/9. “Tôi cảm ơn John về những đóng góp của ông ấy. Tôi sẽ công bố Cố vấn An ninh quốc gia mới vào tuần sau”. Nhưng chỉ vài giờ sau, ông Trump thông báo: Ông Charlie Kupperman sẽ làm quyền Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Ông John Bolton.
Charlie Kupperman là Phó Cố vấn An ninh quốc gia từ tháng 1/2019. Trước đó, ông Kupperman làm việc cho Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin và Hãng Boeing; từng là một thành viên trong chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan hồi thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Kupperman được biết đến là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Iran. Năm 2017 đã từng ký chung một lá thư hối thúc chính quyền Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 với Iran.
Việc ra đi của ông John Bolton được cho là “không bất ngờ”, tuy rằng quyết định sa thải được ông Trump đưa khá đột ngột. Theo truyền thông Mỹ, “mầm mống” bất đồng giữa ông Bolton và ông Trump là rõ ràng. Bản thân ông Trump khi giải thích việc sa thải John Bontol cũng cho biết là do “bất đồng sâu sắc với nhiều lời khuyên” của ông này. Có lẽ “giọt nước tràn ly” chính là trước đó vài ngày, Bolton đã phản đối kế hoạch hòa đàm với nhóm phiến quân Taliban tại Trại David của ông Trump. Trong khi ông Trump ủng hộ đề xuất của Ngoại trưởng Pompeo và một số quan chức cấp cao về việc tổ chức cuộc đàm phán với Taliban ở Mỹ, Bolton dù đang ở thăm Ba Lan vẫn liên lạc về Nhà Trắng để phản đối. Kế hoạch hòa đàm sau đó bị hủy bỏ vào phút chót.
Nhưng theo Stephanie Grisham- Thư ký báo chí Nhà Trắng thì có “rất nhiều vấn đề” dẫn tới tình huống này, chứ không chỉ việc liên quan tới Taliban. Còn nhớ, vào tháng 3/2018, khi ông Trump bổ nhiệm ông Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia, thì quyết định đó cũng đã gây tranh cãi bởi Bolton là một trong những tiếng nói ủng hộ cuộc chiến tranh Mỹ phát động ở Iraq năm 2003, trong khi ông Trump từng cho rằng cuộc chiến này là một “sai lầm lớn”.
Là người có quan điểm cứng rắn, “phe diều hâu”, ông Bolton bất đồng với ông Trump trong nhiều vấn đề, đặc biệt là chính sách với Iran và Triều Tiên. Trong khi ông Trump ủng hộ đàm phán hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, Bolton lại thiên về cách tiếp cận cứng rắn hơn và hối thúc Tổng thống Mỹ duy trì sức ép tối đa với Bình Nhưỡng.
Ngày 23/6, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với NBC New, ông Trump đã thừa nhận Bolton là “diều hâu”, và cho biết nếu mọi việc phụ thuộc vào Bolton, “ông ấy sẽ cùng lúc đánh nhau với cả thế giới”.
Sau khi ông John Bolton bị sa thải, nhiều ý kiến đánh giá đã được đưa ra. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, nói: “Tôi làm việc suôn sẻ với ông ấy và tôi nghĩ ông ấy đã làm tròn trọng trách. Chẳng qua là đó là quyết định của Tổng thống. Tổng thống có quyền chọn những người xung quanh mà ông ấy cần”. Còn Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez bình luận: “Chuyện này tiêu biểu cho phong cách của ông Trump. Có thể tôi không đồng ý với Bolton về nhiều vấn đề và về quan điểm hiếu chiến của ông ấy, nhưng việc của ông ấy là trình bày những quan điểm đối nghịch để Tổng thống cân nhắc. Mà đó không phải là điều mà Tổng thống muốn”.
Tuy nhiên, theo Norbert Roettgen- Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức thì “sự ra đi của ông Bolton là một cơ hội cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”. Còn chuyên gia về Triều Tiên- Harry Kazianis, một giám đốc cao cấp tại viện nghiên cứu mang tên Trung tâm Lợi ích quốc gia, cho rằng việc sa thải ông Bolton là một động thái khôn ngoan của ông Trump. Trong khi đó, Cố vấn của Tổng thống Iran- ông Hesameddin Ashena, nói rằng ông Bolton bị mất chức cho thấy sự thất bại của chiến lược áp lực tối đa mà Washington nhắm vào Iran.
Là con trai của một lính cứu hỏa ở thành phố Baltimore, năm 15 tuổi, Bolton từng trốn học để vận động tranh cử Tổng thống cho cựu Thượng nghị sĩ Barry Goldwater. Khi theo học luật tại Đại học Yale, Bolton tự xem mình là “người ngoài hành tinh”. John Bolton từng phục vụ trong chính quyền của 3 cựu Tổng thống đảng Cộng hòa: Ronald Reagan, George H. W. Bush (Bush cha) và George W. Bush (Bush con) trước khi làm Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump.
Giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống Mỹ sa thải ông John Bolton cho thấy chính sách ngoại giao của chính quyền Donald Trump sẽ có sự thay đổi, theo cách hòa hoãn hơn.
Cố vấn An ninh quốc gia là cố vấn trưởng cho Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia; được Tổng thống bổ nhiệm mà không cần Thượng viện phê chuẩn. Cố vấn An ninh quốc gia không bị ràng buộc với bộ máy hành chính của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, do đó có thể đưa ra những lời khuyên độc lập. Chức vụ này có từ năm 1953. Trong chính quyền của ông Trump, tới nay đã có 4 Cố vấn An ninh quốc gia (hoặc tạm quyền), là: Michael Flynn (từ ngày 20/1/2017 đến ngày 13/2/2017; Keith Kellogg (từ ngày 13/2/2017 đến ngày 20/2/2017); H.R. McMaster (từ ngày 20/2/2017 đến ngày 9/4/2018) và John R.Bolton (từ ngày 9/4/2018 đến ngày 10/9/2019).