Bài hát “Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho là một trong những bài hát yêu thích của tôi. Tôi cũng từng đã có một chiếc khăn Piêu như một tặng vật, một kỷ niệm những tháng ngày điền dã nơi xứ Thái. “Piêu” trong tiếng Thái có nghĩa là “khăn”.
Đường cong lồi của Piêu trên đầu một phụ nữ Thái rất đồng điệu với bờ mái cong lồi của dạng nhà hình rùa trên trống Ngọc Lũ, chiếc trống đồng Đông Sơn cổ và đẹp nhất còn đến nay. Còn nữa, những chiếc “cút Piêu”, tức những khuy vải cuộn tròn hình xoáy ốc giống ngọn rau dớn ở rìa khăn cũng tương ứng với hình xoáy ốc ở hai đầu nóc nhà hình rùa Đông Sơn. Đã có lúc tôi ngờ rằng, Piêu - vật che nắng đỡ gió, làm ấm làm mát, làm đẹp làm duyên, làm tình làm nghĩa cho người phụ nữ Thái Đen là sự mô phỏng mái ngôi nhà hình rùa của họ. Ngôi nhà đó, người Thái gọi là hướn tụp cống hay hướn tụp xlăng táu, tức nhà mái khum hay nhà khum mai rùa.
Về ngôi nhà đó, một truyền thuyết kể: Ban đầu người Thái Đen phải trú mình trong hang núi tối tăm, lạnh lẽo. Rồi một hôm, cảm thấy không chịu nổi, bà tộc trưởng cử người đi khắp nơi hỏi cách làm nhà. Trên đường, người đó gặp một con rùa, biết ý người, rùa đứng kiễng chân và bảo người hãy làm nhà sàn giống mình rùa: Mái nhà giống mai rùa, sàn nhà giống bụng rùa, cột nhà giống chân rùa, hai cửa giống miệng và hậu môn rùa. Người đó về nói lại lời rùa, mọi người làm theo, và người Thái Đen có ngôi nhà mái khum mai rùa từ đó.
Để ghi nhớ công ơn rùa, người Thái Đen có tục treo trên cây cột nhà dựng đầu tiên (sau hè) một hình rùa bằng gỗ…
Xưa kia, các ngôi nhà hình rùa đều có khau cút (khau nghĩa sừng, cút nghĩa là hoa văn hình tròn giống hình ngọn rau dớn cuộn lại) tức hai thanh gỗ bắt chéo hình sừng ở hai đầu đòn nóc dùng chắn gió cho mái với các chùm cút. Số lượng cút luôn là số lẻ 1, 3 hay 5, thể hiện gia thế của chủ nhà (nhà nghèo chỉ có 1, nhà giàu 3 hay 5). Một quan niệm cho rằng số lẻ là số sinh hay số dương dành cho các vật của người sống. Vì thế, số bậc thang nhà sàn và số chắn song cửa sổ cũng luôn là số lẻ. Như mái nhà, Piêu xưa cũng thường có 3, 5 hay 7 chùm cút, Piêu có nhiều chùm cút là Piêu quý dành cho các bề trên.
Trong tâm thức người xưa, mái nhà và khăn đội đầu có nhiều điểm chung. Mái nhà che nắng mưa, sương gió cho người, là biểu tượng cho sự bảo vệ, chở che. Khăn cũng vậy. Tiếp đó, mai rùa, với dáng cong của trời, phẳng của đất, cũng gợi tới việc trời che đất chở cho người.
Giờ thì tôi tin rằng ngôi nhà hình rùa Thái Đen có dòng dõi từ nhà hình rùa Đông Sơn, còn khau cút là sự kế thừa và đổi mới mô típ sừng xoáy ốc, một biểu tượng của rùa ở hai đầu nóc nhà hình rùa Đông Sơn.
Thực chất, truyền thuyết nêu trên là ánh hồi quang của tục làm nhà hình rùa thời An Dương Vương, thời có một loạt các phong tục thể hiện tín ngưỡng vật tổ rùa của hoàng tộc Âu Lạc như làm nhà hình rùa, dựng thành hình rùa, làm khóa thắt lưng có hình rùa, làm mũ hay khăn đội đầu hình rùa ...
Ngôi nhà hình rùa chúng ta đã thấy trên mặt nhiều trống đồng như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà. Còn thành hình rùa hay thành Rùa chính là thành Cổ Loa, theo truyền thuyết dựng lên được là do thần Rùa Vàng diệt lũ yêu quái đêm đêm phá thành. Tên Cổ Loa là phiên âm của một từ chỉ rùa trong tiếng Bách Việt cổ.
Về bản chất, tất cả các tục trên là các ma thuật mô phỏng với niềm tin, đất nước có thành, nhà hình rùa sẽ bền vững, chắc chắn như mai rùa, sẽ được vật tổ rùa chở che, phù hộ; người đeo thắt lưng có hình rùa, đội mũ, khăn hình rùa sẽ khôn ngoan, khỏe mạnh và sống thọ như rùa. Mặt khác, tất cả những điều đó cũng là những đặc trưng xã hội hay bản sắc văn hóa của dòng họ hay tộc người. Cho đến nay, phụ nữ một vài nhóm Mông vẫn cuốn khăn hay đội mũ hình sừng trâu giống ông tổ Xuy Vưu, còn cô dâu một nhóm Dao Đỏ vẫn đội mũ hình ông tổ chó Bàn Hồ.
Rất tiếc, bằng chứng khảo cổ học về trang phục trong văn hóa Đông Sơn khá nghèo nàn, nhất là khi so sánh với văn hóa Điền ở Vân Nam. Dù vậy, một số hình người trên chuôi dao găm kiếm ngắn Đông Sơn cho thấy dường như nam nữ thời đó đội một dạng mũ cong tròn gợi tới mai rùa.
Những tấm vải lanh, gai, lụa đã được tìm thấy từ các ngôi mộ Đông Sơn cách đây khoảng 2.300 năm, xấp xỉ thời An Dương Vương. Mối liên hệ cội nguồn giữa tấm đồng Đông Sơn và mảng hoa văn hình vuông trên hai đầu Piêu cho phép tôi tin rằng chiếc khăn đội đầu hình rùa, tổ tiên của Piêu, đã ra đời vào thời đó.
Trong các di vật Đông Sơn, có khá nhiều tấm đồng hình vuông phủ dày đặc hoa văn. Nhiều tấm ở trung tâm có hai mô típ sừng xoáy ốc đối xứng như chữ X hoa. Mô típ đó chính là một biểu tượng cho Ông Tổ Rùa. Chúng ta đã thấy nhà hình rùa có hai hình xoáy ốc ở hai đầu hồi; thành Cổ Loa có hình rùa và tên Rùa nhưng trong sách xưa được gọi là Loa Thành (Thành Ốc) với “9 vòng xoáy ốc”. Với mô típ thiêng đó, các tấm đồng đã được đính trên trang phục để vừa là vật trang sức, vừa là một dạng bùa sinh nở với phụ nữ hay bùa hộ mạng với các chiến binh.
Khi tạo ra tấm khăn đội đầu hình rùa tương tự với Piêu, người Lạc Việt đã dùng kỹ thuật thêu thùa tạo ra hai mảng hoa văn vuông ở hai đầu khăn có chức năng tương ứng với tấm đồng Đông Sơn.
Người Thái Đen gọi hai mảng hoa văn đó là mặt Piêu, tức phần chính, tiêu biểu cho Piêu. Trải qua bao đời, các hoa văn ở đó vẫn mang thần thái của các mô típ trên tấm đồng Đông Sơn xưa.
Mô típ móc câu, mô típ phổ biến và nổi bật nhất trên Piêu, thực chất là mô típ xoáy ốc được cách điệu cao và tối giản cho phù hợp với kỹ thuật thêu.
Mô típ rùa - xoáy ốc ở trung tâm mảng hoa văn hình vuông đã hóa thành các mô típ con nhện, ta leo, con cua, quả trám... với các tên gọi khác nhau nhưng đều phảng phất hình bóng rùa.
Đặc biệt, mô típ con nhện dù phức tạp, nhưng rõ ràng, 4 chân hay 4 móc câu từ thân nhện vẫn tạo thành chữ X hoa, tương tự mô típ rùa-xoáy ốc trên tấm đồng.
Mô típ ta leo rất gần gũi với chiếc ta leo - tấm đan bằng tre dùng làm vật thiêng bảo vệ hồn vía ở người Thái nói chung. Nhưng chính tính thiêng của ta leo cùng vị trí trung tâm lại “bật mí” gốc biểu tượng rùa của nó và lý giải vì sao người Thái Đen có quan niệm đội Piêu là để bảo vệ hồn người trên đầu; đội Piêu là để được thần linh che chở…
Trong tâm thức nhiều dân tộc xưa và nay, chết là trở về với tổ tiên. Trong đám ma, một con vật tổ là sứ giả của tổ tiên sẽ đưa đón hồn người chết. Người Việt thờ bà tổ chim, con vật dẫn đường là gà. Trong lễ mở cửa mả xưa, một con gà được dắt đi quanh mộ 3 vòng để khi nghe tiếng gà kêu, hồn người chết sẽ thức dậy và siêu thoát. Với người Thái Đen, chiếc Piêu mang hồn ông tổ rùa sẽ đóng vai trò chỉ lối đưa đường hay che mặt đội đầu cho hồn người chết, điều lý giải tục cúng đồ lễ từ 4 đến 8 Piêu trong đám ma của họ.
Ngoài các mô típ trên, nhiều mô típ khác trên Piêu cũng hóa thân từ hoa văn Đông Sơn. Mô típ chạc cây là sự cách điệu cao mô típ ếch ở 4 góc tấm đồng Đông Sơn (ếch và rùa là hai biểu tượng tương đương). Hoa bí và mào gà là hai tên gọi khác của hai mô típ mặt trời 6 hay 8 cánh và răng cưa trên đồ đồng Đông Sơn…
Dù tên gọi các mô típ trên Piêu giờ đây khác nhau theo kiểu trực quan dân gian, chúng ta vẫn có thể cảm nhận thần thái Đông Sơn trong vẻ đẹp rực rỡ của chúng.