'Cởi trói' cho nhà khoa học

Thu Hương (thực hiện) 14/01/2016 01:03

Nói về cơ chế khoán chi theo Thông tư 27 được liên Bộ KH&CN và Bộ Tài chính ký ngày 30/12/2015, TS Nguyễn Bá Hải- Giảng viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng: Đây là tin vui với những người làm khoa học. 

'Cởi trói' cho nhà khoa học

TS Nguyễn Bá Hải.

Lợi ích “cởi trói” của nó có thể nhìn thấy rất rõ, giúp nhà khoa học bớt “nản” khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến khoa học công nghệ. Có thể tập trung thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học. Nhưng cũng đặt ra thách thức lớn, đó là việc đánh giá hiệu quả, tính ứng dụng vào thực tiễn của dự án, đề tài khoa học sau khi được nghiệm thu liệu có đáp ứng được các tiêu chí đặt ra ban đầu hay không.

PV:Thưa TS, có ý kiến cho rằng Thông tư 27 quy định nhà khoa học phải hoàn trả tiền cho ngân sách nhà nước tối thiểu là 40% kinh phí của đề tài, thậm chí nếu là lỗi chủ quan thì phải hoàn trả 100% kinh phí nếu không bàn giao, không hoàn thành đề tài dự án theo cam kết là quá khắt khe?

TS Nguyễn Bá Hải: Tôi cho rằng việc hoàn trả lại kinh phí nếu không hoàn thành đề tài nghiên cứu là hợp lý. Tất nhiên, mục tiêu của đề tài, dự án thế nào thì còn tuỳ thuộc vào các khối ngành, lĩnh vực khác nhau, không thể đánh giá chung chung được. Ngay cả trước đây cũng vậy thôi. Nếu chưa hoàn thành được phần nào của dự án mình phải hoàn thiện phần đó thôi.

Tôi cho rằng, khi Nhà nước cho nhà khoa học vay vốn để phục vụ cho nghiên cứu ở một số lĩnh vực có thể thương mại hoá đã là một thuận lợi rồi, đừng nói là tài trợ. Riêng đối với khoa học cơ bản, tuỳ vào chiến lược phát triển mà Nhà nước đầu tư. Thậm chí phải nhấn mạnh hơn với những vấn đề mang tính chiến lược của đất nước.

Bản thân TS đã bao giờ thấy nản khi phải xử lý các thủ tục thanh quyết toán này?

- Có chứ, nhiều khi có những đề tài khoán dưới 30 triệu của trường tôi không dám nhận làm vì xử lý thủ tục rất tốn thời gian, không có thời gian làm chuyên môn nữa. Nhưng phải cố gắng thôi. Tôi luôn tin rằng mọi thứ đều có thể thay đổi nếu mỗi nhà khoa học, mỗi cơ quan bộ ngành đều có tiếng nói trên tinh thần xây dựng tích cực. Tôi đề xuất và ủng hộ những cuộc họp mà nhà khoa học, đại diện Bộ KH&CN và Bộ Tài chính cùng ngồi lại để thảo luận phương án tốt nhất.

Cá nhân tôi trước đây chưa nhận làm đề tài nào của nhà nước. Vừa rồi, tôi có tham gia vào một đề tài được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo trực tiếp cũng vẫn phải làm theo đúng thủ tục, quy trình không thiếu một bước nào theo các Thông tư, Nghị định hướng dẫn. Có thể một số nhà khoa học quen làm chuyên môn nên nhiều khi thấy khó khăn khi phải giải quyết các thủ tục hành chính này.

Bản thân tôi cũng rất đồng cảm nhưng nhà khoa học cũng cần hiểu rằng tiền của Nhà nước cấp cho nghiên cứu khoa học cũng chính là tiền thuế của nhân dân, không thể tiêu một cách vô tội vạ. Việc đề ra những quy định ràng buộc kiểm tra chéo, thanh tra kiểm toán để đồng tiền được sử dụng đúng, hợp lý và minh bạch là cần thiết dù sự thật là các quy định có thể hơi rườm rà vì phải theo trình tự các bước.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Không nên nghiên cứu viển vông

Tôi ủng hộ việc làm khoa học nghiêm túc, lấy thực tiễn, hiệu quả nghiên cứu làm thước đo. Nghiên cứu cơ bản phải có kết quả, hiệu quả. Ví dụ để có được một bài báo khoa học được tính điểm cao đâu có dễ. Mọi thứ đều đo lường được hết. Trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, tôi cho rằng cần lựa chọn chiến lược đầu tư cho nghiên cứu khoa học hợp lý. Cần chọn lĩnh vực nào để đầu tư để làm sao quỹ nghiên cứu khoa học của nhà nước ngày càng sinh sôi nảy nở và tác động tới nền kinh tế một cách rõ rệt trong 5, 10 năm tới. Nếu nghiên cứu cái 100 năm nữa mới có tác động thì có lẽ tôi cho rằng không phù hợp với thực trạng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các nhà khoa học cũng thế, với nghiên cứu ứng dụng nên nghiên cứu cái gì người dân đang cần hoặc có thể xuất khẩu ra thế giới, không nên nghiên cứu viển vông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cởi trói' cho nhà khoa học