Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) diễn ra ngày 13/8.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Dự luật chưa toát lên được “xuất phát của nguyên tắc suy đoán vô tội”.
“Khi điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của họ, xem có tình tiết nào vô tội và chú ý tình tiết bị can nói không phạm tội chứ không phải ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội họ. Thực tế có tình trạng suy nghĩ như vậy và khiến oan sai. Như vụ ông Chấn là một ví dụ” - ông Lý chỉ rõ.
Cũng theo ông Lý: “Khi xét hỏi thì ai hỏi trước, hỏi sau rất quan trọng bởi nó liên quan đến đổi mới xét hỏi hay không. Ví dụ kiểm sát viên đọc cáo trạng rất dài sau đó lại đi hỏi. Nếu hỏi phải là người khác hỏi vì kiểm sát viên vừa đọc cáo trạng xong. Vậy bị cáo có được quyền hỏi lại không? Cho nên cần nghiên cứu để xem xét lại thì mới khách quan”.
Đồng tình với ông Lý, bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chỉ rõ, nguyên tắc suy đoán vô tội là phải coi họ là không có tội trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực.
“Như ý kiến anh Lý nêu là đúng để tránh việc không chú ý đến tình tiết gỡ tội cho bị can, bị cáo mà chỉ chứng minh phạm tội để buộc tội. Thực tế nhiều khi lỡ bắt rồi nên vẫn cố chứng minh để xử 1 tội cho tương xứng, điều đó khiến người ta bị treo lơ lửng bởi tội danh trong khi thực tế họ không mắc phải. Như vậy là vi phạm quyền con người” - bà Ba nói.
Nói như lời Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo thì “Nguyên tắc suy đoán vô tội là phải nghĩ đến việc tìm chứng cứ gỡ tội cho người ta. Pháp luật các nước quy định cơ quan điều tra ngoài việc đưa ra chứng cứ buộc tội thì cũng phải đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho bị cáo”.
Về vấn đề ghi âm ghi hình khi hỏi cung, ông Phan Trung Lý đề nghị nơi nào lấy cung điều tra phải ghi âm ghi hình chứ không phải chỉ ghi âm ở trụ sở điều tra. Còn theo bà Lê Thị Thu Ba thì ở những nơi không ghi âm ghi hình được thì phải có mặt của kiểm sát viên và luật sư. Như thế mới có người giám sát, chứ mỗi điều tra viên và bị can là không khách quan.
Đồng tình việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho rằng, nếu bị cáo nhận tội rồi thì ghi âm ghi hình niêm phong để đấy. Chỉ khi nào ra Tòa bị cáo nói bị ép cung thì mới dùng ghi âm ghi hình, các trường hợp thì khác không cần.
Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, biện pháp điều tra đặc biệt nên thống nhất theo hướng chỉ áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án, còn biện pháp tiền tố tụng là do công an vẫn làm trước đây thì không nên đưa vào Luật.
Theo bà Lê Thị Thu Ba, biện pháp điều tra đặc biệt phải quy định trong Luật thì mới được áp dụng. Trong khi đó, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn kiến nghị, nên giao cho Tòa án quyền quyết định cho phép sử dụng biện pháp điều tra đặc biệt bởi các nước khác đều áp dụng như vậy, đặc biệt Tòa án lại là cơ quan được Hiến pháp giao cho quyền tư pháp.
Còn ông Phan Trung Lý đề nghị: Cần rà soát kỹ để sử dụng trong trường hợp hạn chế chứ không được sử dụng phổ biến. Vì nó liên quan đến bí mật cá nhân như theo dõi ghi âm, ghi hình. Và chỉ áp dụng sau khi đã áp dụng các biện pháp khác.
“Biện pháp cần ghi rõ trong luật là ai có thẩm quyền quyết định? Quyết định khi nào áp dụng?” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ.