Con cò bay lả bay la...

Khúc Hà Linh 30/03/2021 16:15

"Con cò bay lả bay la...". Đối với nhiều người, có thể đây là câu ca dao đẹp nhất của tuổi thơ?

Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, ca dao là những bài hát thường ngắn, hoặc hai, bốn, sáu hay tám câu, âm điệu lưu loát và phong phú. Ca dao có nhiều thể, mà nhiều hơn cả là thể lục bát.

Hình thức và nghệ thuật

Vần của ca dao thanh thoát, không gò ép, giản dị mà tươi tắn. Nó có vẻ như lời nói thường mà lại gọn gàng, chải chuốt, miêu tả được tình cảm sâu sắc.

Đây là câu ca dao ẩn dụ sự tảo tần của người nghèo trong cuộc mưu sinh:

Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…

Lại có cảnh buồn qua những âm thanh bằng, trắc, từ tượng thanh như nét nhạc của một cung đàn:
Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển bắc

Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên…

Ca dao có nhiều thể, cách gieo vần lại biến hoá, khi vần lưng, khi vần chân. Chính vì thế nó không bị đơn điệu nhàm chán, có sức miêu tả phong phú.

Mấy câu dưới đây là ca dao lục bát biến thể: câu đầu bảy chữ, lại tiếp câu chín chữ, sau đó câu sáu rồi bất ngờ đổ xuống câu tám có vần lưng ở chính giữa, rất giầu nhạc điệu, tạo nên một sự dí dỏm, nhưng ấn tượng của một mối tình:

- Em thấy anh, em cũng muốn chào

Sợ anh chồng cũ đứng bờ rào, hắn trông

- Hắn trông thì mặc hắn trông

Đã quyết một lòng, ta quyết lấy nhau!

Cũng có khi là thể song thất lục bát:

Chim lạc bầy thương cây nhớ cội
Người xa người, khổ lắm, người ơi!
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết nhau mỗi đứa một nơi cũng buồn.

Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ bình dân, lấy từ chất liệu đời sống lao động sản xuất nhưng chính xác, lại giản dị, dịu dàng, trữ tình sâu sắc:

Qua đồng ghé nón thăm đồng,
Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu

Ca dao dùng nhân cách hoá, biến chim muông, hoa cỏ, ngọn đèn, khăn áo cũng có tâm sự, nỗi niềm yêu thương, cay đắng như con người:

Trúc buồn trúc gối tay mai
Ai buồn ai gối tay ai bây giờ?

Không chỉ nhân cách hoá, ca dao còn dùng lối ngụ ngôn. Nói đằng đông, nghĩa vồng đằng tây:

Con cò là con cò quăm,
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai?
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối không ai cho nằm.

Rõ ràng, nói chuyện con cò là ngụ ý nói về người chồng vũ phu.
Không chỉ thế, thân phận người dân lao động được miêu tả qua hình ảnh con cò. Khi thì: Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non;

Khi thì: Con cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…

Để tạo nên hình tượng đẹp, ca dao dùng ngôn ngữ chọn lọc, với những mỹ từ và thi pháp gây hứng thú cho người nghe, người đọc.

Cấu thành một bài ca dao thường thấy ba thể chính: thể phú, thể tỷ và thể hứng.

+ Thể phú – Phú có nghĩa là trình bầy, diễn tả.

Người con gái muốn khoe cảnh đẹp của quê mình với bạn trai đã diễn tả thế này:

- Làng em phong cảnh hữu tình
Dân cư đông đúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.

Rồi sau đó mới kể công việc nông gia và những trai tài gải đảm, có ý tự hào về những con người quê hương.

Thể phú có thế lợi trong việc tả cảnh tả tình, trước thiên nhiên, gợi cho người nghe nỗi niềm bâng khuâng thương nhớ quê hương:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ

Dưới đây là bài ca dao thể phú rất trữ tình, vẫn mang tính giáo dục sâu sắc:

Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng kể lâu đâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

Cho nên ta mới hiểu vì sao các văn nhân, thi sĩ thường sử dụng thể phú trong văn học.

+ Thể tỷ - Tỷ là so sánh

Ở thể này, câu ca không trình bày thẳng như thể phú, mà lại mượn cái khác để so sánh, ngụ ý, gửi gắm một tâm sự gì đó. Đây là một nghệ thuật độc đáo của dân ca và ca dao.

Chúng ta thường gặp 2 cách nói so sánh để biểu hiện tình cảm thầm kín, đó là so sánh trực tiếp và gián tiếp. Ví dụ so sánh trực tiếp:

Đêm qua mới gọi là đêm
Ruột xót như muối dạ mềm như dưa
Mong chàng như cá mong mưa
Nhớ chàng như nhớ bữa trưa đói lòng.

Hình tượng cá mong mưa, khi đói lòng nhớ tới bữa ăn trưa thật là giản dị mà sâu sắc, nó gần gũi với đời sống của dân nghèo.

Còn một lối tỷ khác là lối so sánh gián tiếp, tức nghệ thuật ẩn dụ, là cách nói tế nhị, thâm thuý hơn. Khi muốn hỏi cô gái có nơi chốn chưa, anh con trai đã ý nhị thế này:

- Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng có lối, ai vào hay chưa?
- Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.

+Thể hứng - Ca dao có một phương pháp nghệ thuật độc đáo và hiệu quả khi biểu lộ cảm xúc của mình với ngoại cảnh. Đó là thể hứng. Hứng là do đối cảnh sinh tình, nên có lúc vui, có khi buồn:

Chiều chiều ra đứng bờ sông
Nhìn về quê mẹ mà không có đò.

Câu ca nghe buồn man mác. Con gái phải gả bán sang sông, không được về thăm nhà. Chiều đứng bên này nhìn sang bờ bên kia lòng dạ nôn nao.

Thậm xưng - một đặc sắc của ca dao

Khác hẳn với thơ, không chỉ dùng tiếng láy đi láy lại tạo cảm giác thấm thía về chủ đề, ca dao còn có lối nói thậm xưng.

Miêu tả trường hợp cô gái trong chế độ tảo hôn, ca dao khắc họa sắc bén thế này:

Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
Đến năm mười tám, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường!
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường, gẫy một còn ba…

Rõ ràng đây là cách nói ngoa, nói thậm xưng. Vậy mà đọc lên không ai thấy khó chịu, chỉ thấy ý hài hóm về anh chồng quá yêu vợ, quá nồng nàn, đến nỗi có bốn chân giường, gẫy một còn ba.

Nếu như thơ đi vào lòng người qua cách cảm, không chấp nhận kiểu bỗ bã, thô mộc như trên, thì ca dao chịu được cách nói quá lên, ngoa ngôn lên một chút. Đó là vì ca dao là những bài hát thường ngắn, hoặc hai, bốn, sáu hay tám câu, âm điệu lưu loát và phong phú. Vần của ca dao vừa sát lại vừa thanh thoát, không gò ép, giản dị mà tươi tắn. Nó có vẻ như lời nói thường mà lại gọn gàng, chải chuốt, miêu tả được tình cảm sâu sắc. Tình yêu của người lao động được biểu hiện qua nhiều mặt; Tình yêu trai gái, gia đình, làng xóm quê hương, ruộng đồng… Không những thế ca dao còn biểu hiện tư tưởng đấu tranh phê phán, cười cợt cái xấu xa trong xã hội, trong cuộc sống, vươn tới cái đẹp, chân thiện mỹ của nhân dân lao động.

Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con, con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngẳng răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù.

Cũng có khi dùng lối nói thậm xưng để chế nhạo những người nhút nhát, chẳng ra gì nhưng khi ăn nói thì hùng hồn, tự cho là mình tài giỏi:

- Nói thì đâm năm, chém mười
Đến bữa tối trời, chẳng dám ra sân.
- Làm trai cho đáng sức trai
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.

Sức vóc của một chàng trai, mà phải khom lưng chống đầu gối mới gánh được hai hạt vừng, quả là hài hước và hóm hỉnh.

Ca dao bắt nguồn từ đời sống. Ngôn ngữ bình dân, nhưng chính xác, lại giản dị, sâu sắc:

Lấy anh em sắm sửa cho:
Cái bị, cái bát, cái quạt mo đuổi ruồi.

Cùng với lối nói ẩn dụ ví von, dùng thể tỷ, thể hứng, thể phú để thể hiện những nội dung đa dạng bằng nghệ thuật tinh vi, phản ánh muôn mặt đời sống của người dân lao động, ca dao là viên ngọc trong kho tàng văn học dân gian của nước nhà…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con cò bay lả bay la...