Tinh hoa Việt

‘Con đường văn sĩ’ của Nguyễn Huy Tưởng

NGUYỄN HUY THẮNG 01/05/2024 11:11

Bắt đầu viết nhật ký từ năm 1930, khi 18 tuổi, nhưng phải đến năm 1938 nhật ký Nguyễn Huy Tưởng mới thực sự trở thành những trang viết thường xuyên, liên tục, được duy trì gần như một thói quen hằng ngày.

nht.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912-25/7/1960).

Bấy giờ, ở tuổi 26, nhà văn tương lai đã hội đủ mọi yếu tố của sự lập thân, lập nghiệp. Ông đã tốt nghiệp Thành chung, có được mảnh bằng để có thể đi kiếm việc làm. Ông đã “đỗ Đoan” - thi được vào làm thư ký ở nhà Đoan (sở Thuế quan) Hà Nội, thoát khỏi cảnh nửa thất nghiệp suốt mấy năm sau khi học xong.

Và cuối cùng, ông đã xác định dứt khoát con đường trở thành văn sĩ, điều trước đấy mới chỉ là sở thích, để quyết tâm theo đuổi đến cùng. Nghĩa là, giờ đây ông đã có thể yên bề với mục tiêu đặt ra cho mình: đi làm có tiền để phụng dưỡng mẫu thân, phụ giúp gia đình; và yên tâm thực hiện thiên chức của mình: trở thành văn sĩ, như ông không chỉ một lần thổ lộ trong các trang nhật ký. Và cũng chính vì thế, nhà văn tương lai càng chuyên tâm viết nhật ký - với hai lý do.

Thứ nhất, ghi lại cuộc đời mình, điều mà thực tế ông đã bắt tay thực hiện ngay khi mới mười tám đôi mươi bằng một cuốn “tự truyện”. Thứ hai, để trau dồi ngòi bút, như ông từng tâm niệm: “Phàm kẻ học trò nên học cách viết nhật ký. Nhật ký là cuốn sách chân thật hơn cả mọi cuốn sách mà cũng rộng rãi tự nhiên hơn các sách khác.” (Nhật ký ngày 10/11/1933).

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng kể từ mốc thời gian 1938 với những lý do như trên đã nói, đến năm 1945 là thời điểm nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Tám làm thay đổi vận mệnh đất nước cũng như cuộc đời của mỗi người dân, đúng là một cuốn sách như thế, về ông và về bối cảnh xã hội Việt Nam trong đó nhà văn đã sống và trực tiếp can dự vào nó.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, trong khi ghi lại cuộc đời mình với quá trình trước tác, hoạt động xã hội thì đồng thời, cũng phản ánh chính những sự kiện, phong trào mà ông là người trong cuộc. Qua đó, ta biết được rằng ông bắt đầu tham gia Truyền bá quốc ngữ từ giữa năm 1938, do sự vận động của Quản Xuân Nam, một yếu nhân của hội.

Ngày 9/9/1938, khi Nguyễn Huy Tưởng đến hội Trí Tri để bắt đầu công việc với tư cách một “hoạt động hội viên” thì đó cũng là ngày “mở học đầu tiên của hội Truyền bá quốc ngữ”.

Cùng với những việc ông được giao làm, như phát sách, bút cho học trò, viết vào vở những chữ i, t cho chúng tập tô, con mắt của một người đang ý thức trở thành văn sĩ nơi ông đã không quên thuật lại bầu không khí nóng bức của ngày hôm ấy, nó càng trở nên ngột ngạt do hơi người đến học mỗi lúc một đông, chật kín các phòng; cũng vậy, ông đã không bỏ qua một chi tiết rất thật mà cũng rất “văn”, khi ông cầm tay cho một học trò tập viết, và đó là một bàn tay “ghẻ lở và bẩn, và ướt át”. Đó có thể là gì, nếu không phải chính phẩm chất văn chương trong cách viết nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng?

Chúng ta biết rằng đầu năm 1943, bản Đề cương Văn hóa của Đảng ra đời và không lâu sau đó, Văn hóa cứu quốc được thành lập, trong đó Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng thuộc số những hạt nhân đầu tiên. Mặc dù về sau Nguyễn Hữu Đang ít được nói đến trong các trang sử Văn hóa cứu quốc, nhưng qua đoạn nhật ký trên, có thể thấy rằng ông là một nhân tố có tính xúc tác, nếu không muốn nói quan trọng, trong tổ chức này, ít nhất là thời gian đầu.

Sự tham gia của Nguyễn Huy Tưởng vào Văn hóa cứu quốc, thông qua nhật ký của ông, có thể nhận thấy theo hai phương diện: con người và sự kiện. Về phương diện thứ nhất, đó là những người trong tổ chức mà ông cùng dự bàn công việc, những người trong đoàn thể - các cán bộ Việt Minh mà ông chịu sự dìu dắt, chỉ đạo, và cả những nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ có khuynh hướng tiến bộ mà các ông muốn lái theo cách mạng…

Về phương diện thứ hai, đó là những buổi bàn bạc công việc với các thành viên trong tổ, những cuộc hội nghị, hội họp của “văn giới”, những tờ báo, “tập văn” các ông chuẩn bị cho ra…

img-8111-1-.jpg
Cuốn "Con đường văn sĩ" vừa được NXB Kim Đồng phát hành, 4/2024. Ảnh: Thư Hoàng.

Mưu sinh. Cuộc sống gia đình. Hoạt động xã hội. Tham gia cách mạng… Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng dù phong phú đến mấy nhưng nếu không phản ánh được đời văn của ông thì cũng chưa thể là một cuốn sách hoàn hảo.

Với một tác gia như ông, dù sách thuộc thể loại gì - hồi ký, tự truyện, truyện danh nhân… - đây chính là điều người đọc muốn biết nhất chứ không phải một khía cạnh nào khác dù thú vị thế nào. Vô hình trung, nhật ký của ông nói chung, nhật ký giai đoạn 1938-1945 nói riêng, lại thấm đẫm phẩm chất này, khi ông quả quyết đến với đài văn với tất cả sự đam mê cùng những băn khoăn, trăn trở của việc trước thuật.

Chưa kể, với lợi thế của “thể loại” - thuật lại tức thì các sự việc xảy ra, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng còn cho thấy sự hình thành nhiều tác phẩm của ông, từ một bài thơ cho đến cả một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết…

Qua đó chúng ta biết rằng, ngay khi đã xác định nghiệp văn cho mình, ông nhiều lúc vẫn bị phân tâm bởi việc thi Tú tài để học lên, hay chọn con đường khoa cử để ra làm… tri huyện (dù là để thi hành “chính lệnh” như chàng Levin trong tiểu thuyết "Anna Karenina" của Tolstoi mà ông ngưỡng mộ).

Nhưng mỗi lần như thế, “con ma văn chương” lại đến ám ảnh ông, với hình ảnh của những “thi sĩ, kịch sĩ, nhạc sĩ, như Lamartine, Schubert” (quả là ông đã viện đến cả nhạc sĩ cổ điển Áo Schubert, như trong đoạn trích dẫn nhật ký ngày 22/3/1938 này). Con quay hồi chuyển nơi ông, dù xoay vần thế nào, cuối cùng rồi cũng trở về với hướng văn chương đã định. Vấn đề chỉ còn là ông sẽ viết gì và viết như thế nào.

Đây quả là những gì tốn giấy mực nhất với Nguyễn Huy Tưởng trong đời thực cũng như trong nhật ký. Thời gian đầu, ông loay hoay hết với “Ông Chánh Bảo” lại đến “Ngọc Khánh và Mộng Mai”, những cái tên chưa cần đọc truyện cũng đoán được mang hơi hướng của Tự lực văn đoàn mà ông sớm nhận ra không phải thể tạng mình để nhanh chóng đoạn tuyệt. Ông cũng háo hức làm thơ, thực tế từng có thơ đăng Nam Phong năm 1933 khi mới ngoài 20 tuổi.

Những năm cuối thập niên 1930 có thể nói là thời kỳ “nở rộ” của thơ Nguyễn Huy Tưởng, khi ông thấy gì cũng ra thơ và muốn làm thành thơ, thậm chí còn muốn bàn với vợ bán vòng vàng đi để in tập thơ đã tập hợp xong và được đặt cho cái tên khá đài các là “Nhất điểm linh đài”.

Thật may rốt cục ông cũng nhận ra thơ không phải sở trường của mình, hay như chính ông tự nói, trần trụi hơn mà cũng đau xót hơn: “Mình không có tài làm thơ”. Để rồi tự ngộ: “Chi bằng viết văn xuôi, viết tiểu thuyết. Đi con đường của mình vậy”. (Nhật ký ngày 18/11/1940).

Thực tế, trong một lần thất vọng như thế, Nguyễn Huy Tưởng đã có một quyết định để đời. Xin được dẫn chính lời ông: “Làm bài thơ về Lê Lợi, thấy kém. Buồn man mác. (…) Nhưng cũng vì bài thơ không hợp ý ấy nên nhất định viết kịch Vũ Như Tô”. (Nhật ký ngày 22/5/1942).

Chưa đầy hai mươi ngày sau, ông viết: “Chép xong Vũ Như Tô. Có một cái buồn thấm thía! Ta cũng như Vũ sao? Sao ta lại đặt truyện này? Hoàn toàn bịa đặt, nhưng một biểu hiện rất hay. Than ôi! Vì nghệ thuật! Ta thấy vật giá cao lên vòn vọt, nhất nhất cái gì cũng đắt cả, ta cứ mơ mộng đài thơ mãi sao?” (Nhật ký ngày 8/6/1942). Cùng với đó là lời Đề tựa vở kịch, đề “ngày 8, tháng VI, năm 1942”, với câu kết nổi tiếng: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”…

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng cũng cho ta biết những ngóc ngách thú vị trong quá trình sáng tác của ông. Ví dụ tên chàng công tử Bảo Kim trong tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” chính là đã được đặt cho một nhân vật của tập “Ngọc Khánh và Mộng Mai” mà rồi tác giả sẽ bỏ đi, chỉ giữ lại một cái tên người. Hay xuất phát điểm của tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” chính là một cuốn truyện nhỏ ông định viết cho thiếu nhi - về vị quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại…

Đọc nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta cũng biết được rằng ông thường xuyên chia sẻ chuyện văn chương với bạn bè, từ ý tưởng một tác phẩm dự kiến đến việc nhờ bạn đọc tập bản thảo đã hoàn thành để cho ý kiến. Kịch “Vũ Như Tô” là một trường hợp như thế. Được viết tháng 6/1942, đăng Tri Tân từ cuối năm 1943, vở kịch sẽ còn được tác giả sửa chữa nhiều lần, sau khi được một số bạn bè cho ý kiến, như Nguyễn Trọng Hoàn, Như Phong…

Hay một trường hợp khác - vở “Cột đồng Mã Viện”. Vở kịch bắt đầu được viết từ cuối năm 1940 với tên “Đồng trụ”, sau nhiều lần viết đi viết lại mới đổi thành “Cột đồng Mã Viện” với một lối “văn giản dị. Có lẽ tự nhiên” (hẳn do tác giả tiếp thu tinh thần của bản Đề cương văn hóa). Nhưng ngay cả khi đó, ông vẫn tiếp tục đưa bạn bè đọc để cho ý kiến.

Đó cũng là lý do để ít ngày sau, Nam Cao đã bắt gặp tập bản thảo ở chỗ Nguyễn Hữu Đang. Nhật ký ngày 15/3/1945, ông cho biết: “Gặp Nam Cao hôm 13. Mở cặp của Nguyễn Hữu Đang thấy có Cột đồng Mã Viện của mình. Nói, thôi còn cần gì nữa. Xếp bút nghiên thôi”.

Và tiếp theo là những tâm niệm thật cảm động: “Lòng bỗng ân hận, vì chưa thành một tác phẩm gì. Dẫu sao, cũng phải nhất định đi vào con đường văn sĩ. Khơi đào mãi mãi...”

“Nhất định đi vào con đường văn sĩ”. Quả thật, đó mới chính là những gì quan thiết nhất với Nguyễn Huy Tưởng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Con đường văn sĩ’ của Nguyễn Huy Tưởng