Năm 2015 là năm gặt hái nhiều thành công của những người con đất Việt khắp năm châu. Những cái tên như tỷ phú Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều, bác sĩ Daniel Trương, PGS Phan Toàn Thắng, doanh nhân trẻ tuổi Michelle Phan… đã được thế giới xướng lên.
Michelle Phan.
Ông Kiều và Michelle Phan
Trong những người Việt được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2015 không thể không kể đến tỷ phú Hoàng Kiều. Ông vừa được tờ Forbes của Mỹ đánh giá là người giàu nhất trong số 25 gương mặt mới trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (Forbes 400) năm 2015.
Theo bảng xếp hạng mới, ông Hoàng Kiều đứng thứ 149 với tài sản 3,8 tỷ USD và tiếp tục là gương mặt nổi bật trong số các tỷ phú tại Mỹ sau khi bất ngờ lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới với 1,65 tỷ USD hồi tháng 3/2014.
Ông Hoàng Kiều là một tỷ phú kinh doanh chính dược phẩm, sinh năm 1944 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ). Phần lớn tài sản của ông là cổ phần trong Tập đoàn Shanghai RAAS Blood Products có cổ phiếu niêm yết tại TTCK Thâm Quyến của Trung Quốc.
Đây là công ty chuyên sản xuất các loại huyết tương sử dụng trong lĩnh vực y tế, do chính ông thành lập năm 1992. Shanghai RAAS Blood Products nằm trong danh sách 200 DN dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2015 và đứng thứ 20 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất của Forbes. Hiện Shanghai RAAS có vốn hóa 17,7 tỷ USD và doanh thu 214 triệu USD. Ông là Phó Chủ tịch Shanghai RAAS và nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu DN này.
Với thành công của Shanghai RAAS, tài sản cá nhân của ông đã tăng gấp hơn 3 lần trong vòng một năm qua và nhiều khả năng còn tăng mạnh do triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc rất tốt. Phần tài sản còn lại của ông nằm trong công ty Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) ở California và một hãng rượu vang đỏ tại thung lũng Napa thuộc bang California của Mỹ, chuyên cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc.
Điều đáng mừng là tỷ phú Hoàng Kiều không quên Tổ quốc, tổ tiên của mình. Bắt đầu từ năm 2006 ông đã có những chuyến hồi hương về Việt Nam bằng những việc làm từ thiện. Hồi tháng 6 năm 2015, ông đã tặng 1 triệu USD cho một quỹ từ thiện tại Mỹ. Ông cũng đã cam kết dành 20% tài sản làm từ thiện. “Quê hương Việt Nam luôn trong trái tim tôi”- ông Kiều nói.
Ông luôn nhớ về thuở ấu thơ chân đất, đầu trần không áo ấm tại vùng quê nghèo khó. Những tháng ngày khốn khó đó đã cho ông cảm nhận được tình người mộc mạc, ấm áp của những con người ở quê hương Việt Nam. Ông muốn bày tỏ sự biết ơn và đền đáp những ân tình mà người thân, họ hàng, bạn bè, bà con chòm xóm đã dành cho mình.
Không chịu lép vế các bậc tiền bối, năm 2015 cũng là năm ghi dấu thành công của những người trẻ trong lĩnh vực kinh doanh. Michelle Phan- cô gái 28 tuổi đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 gương mặt nổi bật của nước Mỹ dưới tuổi 30 năm 2015. Theo tính toán của tạp chí, Ipsy công ty do Phan sáng lập sẽ đạt doanh thu 120 triệu USD trong năm 2015. Hơn 7,7 triệu lượt người đăng ký kênh của Michelle Phan trên YouTube. Ngoài Ipsy, Michelle cũng tung ra dòng mỹ phẩm riêng với sự hỗ trợ của hãng mỹ phẩm nổi tiếng L’Oreal.
Bác sĩ Daniel Trương.
Dấu ấn vang dội trong ngành y thế giới
Trung tuần tháng 12-2015, mọi người không khỏi ấn tượng và xen lẫn tự hào vì lần đầu tiên một bác sỹ người Việt ở Mỹ- bác sĩ Daniel Trương- chuyên gia thần kinh học đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế và những bệnh liên quan đến rối loạn vận động.
Hiệp hội Parkinson được thành lập bởi Liên đoàn Thần kinh học thế giới, nhưng hiện nay đây là một Hiệp hội hoạt động độc lập của các bác sĩ, các nhà khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác - liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, điều trị về rối loạn thoái hóa thần kinh. Hội có 3.000 thành viên, trong đó có 150 thành viên toàn phần (là những người có quyền ứng cử hoặc bầu cử). Muốn là thành viên toàn phần phải được 5 thành viên toàn phần khác đề cử và được hội đồng những hội viên toàn phần chấp nhận tại Đại hội đồng mỗi năm. Vị trí Chủ tịch của Hiệp hội được bầu 4 năm một lần; và vị Chủ tịch có thể tái ứng cử một lần.
Trong kỳ họp lần này, hai thành viên được đề cử là bác sĩ Daniel Trương (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Hiệp hội) và Giáo sư Heinz Reichman (Trưởng khoa trường Đại học Dressden (Đức), cựu Chủ tịch Hội thần kinh Đức và cũng từng là Chủ tịch Hội thần kinh châu Âu). Bác sĩ Daniel Trương đã trúng cử với số phiếu vượt trội. Việc ông trúng cử thể hiện sự tin tưởng đối với những chương trình huấn luyện về ngành này ở nhiều nước trên thế giới mà ông đã làm trong 8 năm qua.
Là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điều trị các rối loạn vận động, bác sĩ Daniel Trương đã viết 7 cuốn sách và đã được xuất bản tại hơn 140 tạp chí y khoa trên toàn thế giới; cũng như liên tục tổ chức các hội nghị thần kinh học quốc tế tại các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển để trao đổi những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực này. Mới đây, ông vừa được Đại học y khoa Kazakh tại thành phố Almaty, Kazakhstan, trao bằng giáo sư danh dự.
Bác sĩ Daniel Trương rất hy vọng các hội nghị thần kinh học quốc tế được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2017 tới đây sẽ giúp ích nhiều hơn cho các bác sĩ chuyên ngành này trong nước học hỏi kinh nghiệm cũng như tiếp thu được những thành tựu của y học thế giới có liên quan đến hệ vận động.
PGS Phan Toàn Thắng.
Người Việt không chỉ được “phong hàm”, có “cước sắc” trong lĩnh vực y dược, hẳn mọi người chưa quên phát minh tế bào gốc trong máu chiếc cuống rốn “phụ phẩm” của quá trình sinh nở do một bác sỹ người Việt phát minh tại Singapore. Đó là PGS-BS Phan Toàn Thắng. “Cuốn rốn thế giới trong tay người Việt” đã thành công vang dội ở nước ngoài những năm gần đây đặc biệt là năm 2015.
Cho tới nay, phát minh của ông Thắng đã đăng ký bản quyền tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền khoa học tiên tiến của thế giới như Mỹ, EU, Anh, Israel, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc... Hiện nay, nhiều công ty trên thế giới đã mua bản quyền từ CellResearchCorp để lưu trữ cuống rốn. Giá lưu trữ một cuống rốn 18 năm tại Singapore là 7.000 SGD (khoảng 116 triệu đồng), tương đương giá ở Hồng Kông.
Còn ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam... giá khoảng 2.000 USD. Sau 18 năm, đứa trẻ khi đó đủ tuổi thành niên và có quyền quyết định về chiếc cuống rốn của mình. Điều đáng mừng là việc lưu trữ cuống rốn để phục vụ nhu cầu chữa bệnh trong các gia đình khá giả ngày một gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới.
Không chỉ thành công trong kinh doanh, người Việt ngày càng có chỗ đứng tại chính trường nhiều nước. Chẳng hạn việc Philipp Rosler, người Đức gốc Việt giữ chức vụ Phó thủ tướng Đức hay Janet Nguyễn, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên đảm nhiệm vị trí thượng nghị sĩ tại Mỹ, rồi lần đầu tiên vào cuối năm 2014 đại tá Lương Xuân Việt, một người Mỹ gốc Việt được phong hàm chuẩn tướng và trở thành vị tướng người Việt đầu tiên trên đất Mỹ cũng là một thành tích đáng nể.
Điều đáng nể nữa của những người con gốc Việt này là họ không bao giờ quên nguồn cội. Chuẩn tướng Lương Xuân Việt cho biết, trở thành người đầu tiên giữ cương vị rất cao trong quân đội Mỹ nhưng ông không quên mình là người con đất Việt, ông sẽ cố gắng sống tốt, làm tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp sau noi theo.