Còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán năm 2022

Minh Hiếu 16/03/2022 08:26

Sau năm 2021 tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm 2022 diễn biến trồi sụt. Chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, cho nên động lực bứt phá trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường cả trong và ngoài nước.

Tại buổi tọa đàm "Nhận định cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức ngày 15/3, các chuyên gia có góc nhìn tương đối khả quan với các nhóm ngành tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong đó không thể thiếu bóng dáng của ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán năm 2022

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN: Năm 2021, mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kết thúc năm 2021, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.498,28 điểm vào ngày 31/12/2021, tăng 35,7% so với cuối năm 2020 và được đánh giá là một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. Tính đến ngày 28/12/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Thanh khoản cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, cán mốc trên 1 tỷ USD mỗi phiên. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỷ đồng/phiên, trong đó, ngày 19/11/2021, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 56.105 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020. Giá trị giao dịch tiếp tục gia tăng trong 2 tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.385 tỷ đồng/phiên, tăng 14,2% so với bình quân năm trước.

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) duy trì ổn định, với quy mô niêm yết đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm trước đó. Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 đạt 11,25 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với bình quân năm 2020.

Xét về khía cạnh huy động vốn, năm 2021 tổng mức huy động vốn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, đấu giá cổ phần hoá tăng gấp 2,2 lần so với 2020.

Năm 2021 cũng ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục của số tài khoản nhà đầu tư mở với 1,5 triệu tài khoản, là đột biến, sự gia tăng ồ ạt của nhà đầu tư F0. 2 tháng đầu năm 2022 xu hướng này tiếp tục tiếp diễn, 2 tháng số mở mới đã bằng 1/4 năm 2021.

Tổng số tài khoản cá nhân giao dịch trên thị trường đạt 4,71 triệu tài khoản, tương đương gần 5% dân số, gần đạt mục tiêu của năm 2025. Sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đồng đều với thị trường thế giới.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN nhận định: thị trường sẽ có bước tăng giảm mạnh đan xen

Bước sang 2022, tiếp tục là một năm vô cùng khó khăn, phức tạp cho thế giới và cả Việt Nam. Thị trường chứng khoán năm nay đối mặt với nhiều khó khăn hơn năm ngoái. Năm ngoái là yếu tố dịch bệnh thì năm nay không chỉ có dịch bệnh mà là cả địa chính trị nên thị trường sẽ có bước tăng giảm mạnh đan xen.

Vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các biến động thị trường thế giới. Trước khả năng diễn biến phức tạp của thị trường, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cơ bản sẽ chậm lại.

Theo nhận định IMF nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức 4,4% so với 5,9% năm 2021. Dự báo thị trường chứng khoán cũng giảm so với năm 2021, đặc biệt khi các nước cắt giảm các hỗ trợ kinh tế. FED, Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt qua cắt giảm các gói định lượng, tăng lãi suất.

Cơ hội tốt để các doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt phát hành cổ phiếu

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital: Căng thẳng chiến sự leo thang giữa Nga – Ukraine có thể coi là “thiên nga đen” thứ 2 (sau COVID-19 hồi đầu năm 2020) và ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Tác động rõ ràng nhất là giá dầu liên tục tăng và đang ở vùng đỉnh cao nhất mọi thời đại.

Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang ưu tiên phục hồi kinh tế với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capita đưa ra ý kiến trong buổi tọa đàm

Đối với TTCK Việt Nam, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường vẫn liên tục tăng trưởng. Theo thống kê, VN-Index đã tăng 26,41% trong 1 năm vừa qua và lọt top 5 các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Đi cùng với đó, thanh khoản TTCK cũng tăng tốt với nhiều phiên giao dịch lên đến hàng tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân cho sự tăng trưởng của TTCK, một trong số các lý do nổi bật là sự gia nhập của lớp nhà đầu tư F0. Đây được coi là cơ hội tốt để các doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt có thể phát hành cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn vay.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu triển vọng, tiềm năng trong tương lai dài hạn với mức giá phát hành thấp hơn so với giá giao dịch trên sàn chứng khoán.

"Thế giới phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều"

GS.TSKH Nguyễn Mại: Không có ai nghĩ tới xung đột Nga - Ukraine và chưa ai biết bao giờ kết thúc. Đó là câu chuyện của cả thế giới kéo theo hệ luỵ giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khó đoán định vài tháng tới sẽ như thế nào. Cần nhìn giá dầu trong dài hạn, đề xuất giữ giá dầu ở mức 22.000 - 23.000 đồng/lít.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 6,5% hay 7% là lạc quan với điều kiện chúng ta không chịu tác động quá lớn với những biến động của thế giới và nội tại Việt Nam.

Chúng ta đã có 2 giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19 là trước tháng 4/2021, Việt Nam coi là điển hình thành công ở một nước hệ thống y tế chưa hiện đại nhưng với biện pháp thích ứng đã ngăn chặn được dịch.

Nhưng đến tháng 4/2021 chúng ta đã rất lúng túng khi dịch lan từ TP.HCM đến 18 tỉnh thành khác, chúng ta có biện pháp chống dịch rất không thích hợp, chưa bao giờ có tình tạng cách ly như dựng hàng rào dây thép gai tới vậy.

Giá dầu trở thành tới vấn đề rất lớn, 2 tháng giá xăng dầu trong nước đã tăng từ 22.000 đồng/lít lên 28.000 đồng/lít rồi có thể lên 30.000 đồng/lít. Đến nay, Chính phủ vẫn chưa đưa có giải pháp làm sao ngăn giá dầu lên, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng xung đột Nga - Ukraine kéo theo hệ luỵ giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có đề xuất giữ giá dầu ở mức 22.000 - 23.000 đồng/lít.

Vận chuyển, giao thông vận tải vừa phục hồi, mới gần 3 tháng thì lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá dầu, nhiều DN không dám tiếp tục vận chuyển. Thử hỏi toàn bộ vận chuyển bị đứt gãy thì nền kinh tế đi về đâu.

Hiện Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 2.000 đồng/lít xăng dầu để hỗ trợ giảm giá xăng dầu nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nếu chúng ta không có quyết sách mạnh kìm hãm giá dầu thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ vừa trình Quốc hội, vấn đề cần được quyết định nhanh chóng. Đề nghị nhìn vào giá dầu nên nhìn dài hạn, nhìn trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng thông báo: hai tháng đầu năm 2022 doanh thu của PVN ước đạt 118,73 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ 2021. Không nhìn dài hạn là thiên lệch về thu ngân sách do giá dầu tăng.

Thị trường chứng khoán khá lạc quan

Ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐTV Công ty Chứng khoán Everest: Việc dòng vốn ngoại quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại của nền kinh tế vĩ mô. Có thể thấy, lạm phát, lãi suất đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Thêm vào đó, giá dầu, hàng hóa… đang trở lại trong vài năm trở lại.

Ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐTV Công ty Chứng khoán Everest đưa ra ý kiến thạm luận "thị trường chứng khoán khá lạc quan"

Đây đều là các dấu hiệu đáng lo ngại. Nhất là khi chúng ta là nền kinh tế mở. Dù vậy, chúng tôi tin tưởng các nhà hoạch định chính sách, Chính phủ sẽ lấy các kinh nghiệm từ lần gần nhất vào năm 2011 để vượt qua.

Thời điểm đó, lạm phát ở ngưỡng khoảng 20% và ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, VN-Index giảm 2 lần. Cụ thể, giảm lần 1 xuống 420 điểm và lần 2 thì xuống khoảng 380 điểm. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách tiền tệ, tài khóa, chúng ta đã chặn đứng được và nền kinh tế trở lại nhịp bình thường.

Tổng kết lại, chúng tôi vẫn nhận định khá lạc quan. Nghĩa là, sau đại dịch, kết thúc chiến tranh, Việt Nam vẫn phát huy nhiều cơ hội, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng liên tục nhưng sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán năm 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO