Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).
Đứng chân trên địa bàn xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), những năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng không chỉ chắc tay súng giữ vững biên cương, mà còn giúp đồng bào các dân tộc nơi phát kinh tế, xóa bỏ những tập quán lạc hậu để xây dựng đời sống mới.
Đại úy Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Đứng chân ở địa bàn xã Thượng Hóa, nơi có đông đồng bào Rục (một tộc người thuộc dân tộc Chứt) sinh sống. Cuộc sống của người Rục còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, có nhiều cháu mồ côi, gặp hoàn cảnh hết sức éo le. Trước thực tế đó, chúng tôi đã bàn bạc thống nhất và báo cáo cấp trên, nhận nuôi 5 cháu có hoàn cảnh mồ côi, khó khăn về nuôi. Cụ thể đó là các cháu: Cao Ngọc Huyên (lớp 8); Cao Xuân Công (học sinh lớp 5, mồ côi bố); Cao Xuân Giang (lớp 6, mồ côi bố); Cao Văn Bằng (lớp 6, nhà có 8 anh em) và Cao Xuân Lệ (lớp 5, hoàn cảnh khó khăn) nhằm tạo điều kiện cho các cháu ăn ở, học tập tốt hơn.
Là người trực tiếp hướng dẫn các sinh hoạt và và kèm cặp việc học tập của các em, Trung úy Cao Long Giang cho biết, so với những ngày đầu đến đây, bây giờ các em đã chững chạc và hoạt bát hơn nhiều; học tập cũng tiến bộ rõ rệt. “Không rèn luyện theo chế độ quân nhân nhưng các em đều tham gia đều đặn các hoạt động. Buổi sáng, lúc 5h30 nghe kẻng báo thức là dậy tập thể dục; sau đó nếu không đến trường thì các em làm những công việc nhẹ nhàng… Buổi tối, khi các cháu ngồi vào bàn học là tôi kiểm tra bài vở. Cùng với đó, chúng tôi hướng dẫn, kèm cặp thêm để các cháu bảo đảm kiến thức sau mỗi bài học.
Em Cao Ngọc Huyên, 13 tuổi, đang học lớp 8 Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Hóa. Em là người Rục, thuộc dân tộc Chứt sống ở bản Mò O ồ ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Năm 2014, bố Huyên mất vì bạo bệnh, một mình không nuôi đủ cho 2 đứa con ăn học, nên mẹ Huyên đã để 2 chị em ở nhà để đi miền Nam làm thuê kiếm sống.
Nghèo khổ, khó khăn là vậy nhưng 2 chị em Huyên vẫn không bỏ học, vẫn siêng năng đến trường học chữ. Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn và thương 2 đứa trẻ người Rục nghèo nhưng ham học, tháng 5/2019, tập thể cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng đã bàn bạc và thống nhất quyết định nhận Huyên làm con nuôi, đưa về đơn vị chăm sóc, nuôi ăn học.
Em Cao Ngọc Huyên chia sẻ: “Bây giờ con đã coi Đồn như ngôi nhà thứ 2 của mình rồi. Ở đây con có rất nhiều người bố và tất cả đều rất thương con, không chỉ nuôi con ăn học, các bố còn dạy cho con nhiều điều hay, lẽ phải. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này lớn là một người tốt, có ích”.
Trung tá Phạm Văn Phương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng tâm sự: “Chúng tôi nhận thấy việc nhận nuôi thêm các cháu ở Đồn sẽ không phải là việc dễ dàng gì. Bởi tất cả các cháu vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên sức khỏe không bảo đảm, thường xuyên ốm đau. Những lúc như vậy, những người lính biên phòng chúng tôi không chỉ gánh trách nhiệm như một người bố mà phải có tình yêu thương thực sự của một người mẹ hiền, để chăm lo cho các cháu.
Lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón các cháu tới trường, buổi tối lại cùng các cháu ôn bài, kèm cặp giúp các cháu theo kịp cái chữ và tạo điều kiện để các cháu có những hành trang bước đầu trong cuộc đời mình. Đó chắc chắn là những công việc rất khó khăn, nhưng chúng tôi cũng động viên cán bộ, chiến sỹ ở đồn, cứ coi đồn chúng ta như là “nhà” đông con, khéo ăn, khéo lo thì mọi chuyện rồi cũng sẽ qua hết”.