Con sâu và nồi canh

Nam Việt 19/07/2016 14:10

Người xưa từng than phiền nạn “con sâu làm rầu nồi canh”, theo cách hiểu bây giờ là những kẻ xấu làm mất uy tín của cả bộ máy, khiến bộ máy trì trệ. Nói gần nói xa thì âu đó cũng là công tác cán bộ, trong bộ máy công bộc lại có không ít người không chịu làm công bộc cho dân, mà chỉ lo nhũng nhiễu, rút ruột công quỹ, “ăn” cả tiền của doanh nghiệp lẫn của dân. Để chấn chỉnh, lãnh đạo Chính phủ rất quyết liệt, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như ý.

Ngày 13/6/2015, thay mặt Chính phủ trả lời trước Quốc hội về vấn nạn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, xa dân gần quan, khi còn là Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận đây là vấn đề đạo đức công vụ và Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thi tuyển tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá kịp thời để đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.

Tiếp đó, ngày 15/3/2016, khi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về công tác chuẩn bị bầu cử, đề cập đến vấn đề kiến nghị của người dân chậm được xử lý, trong bộ máy hành chính còn tình trạng nhận được văn bản của cơ quan, đơn từ, đề nghị của dân mà thích thì xử lý, không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy, Thủ tướng lại một lần nữa nhấn mạnh: “Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế. Nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm”.

Đầu tháng 6 vừa qua, khi làm việc với Bộ Nội Vụ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng bày tỏ thái độ kiên quyết với cán bộ xách nhiễu, xa dân, cản trở guồng máy hoạt động. Ông nhấn mạnh, cần tổ chức tốt việc thực hiện việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Muốn như vậy cần phải nỗ lực không ngừng “trên tinh thần quyết liệt, giải pháp đột phá”.

Mới đây nhất, ngày 16/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Kế hoạch - Đầu tư, sau khi nêu ra một loạt câu hỏi: Vì sao chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng? Vì sao có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ “chưa giàu đã già” vì để lỡ thời cơ dân số vàng? Vì sao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của xã hội và doanh nghiệp còn hạn chế? Vì sao phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường? Vì sao tham nhũng lãng phí vẫn phức tạp, đầu tư công không hiệu quả, nhiều dự án và nhiều doanh nghiệp thất thoát lãng phí? Vì sao đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện nhưng chênh lệch giàu nghèo có xu hướng lan rộng?- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề về công tác cán bộ. Đó là cần phải rà soát, phân công nhiệm vụ, trên tinh thần rõ người, rõ việc, đảm bảo tính kết nối giữa các bộ phận, tăng cường đạo đức công vụ, chống nhũng nhiễu và thực hiện luân chuyển cán bộ, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Ai không làm được thì thay thế, trước khi kỷ luật thì dẹp sang một bên không giao thêm việc.

Rõ ràng là công tác cán bộ đang có vấn đề, tạo nên cái cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”. Chính phủ rất kiên quyết xử lý bộ phận này, với tinh thần quyết liệt và phải có giải pháp đột phá. Trong đó việc luân chuyển cán bộ, “dẹp sang một bên” trước khi kỷ luật những cán bộ nhũng nhiễu, làm hỏng việc công là giải pháp quan trọng.

Trước tới nay, chúng ta vẫn quan niệm công tác cán bộ liên quan đến con người nên phải thận trọng. Điều đó đúng, nhưng cứ dựa vào “nguyên lý” ấy để trù trừ rồi bỏ qua, chấp nhận “con sâu” trong “nồi canh” thì sẽ không thể nào xử lý được. Sâu sẽ đẻ ra sâu, khi thành một đàn sâu thì cơ sự nát bét. Trong xử lý, nếu cứ theo cái cách chữ tình đi trước cái lý, lẫn lộn công tư thì hậu quả coi như đã được báo trước.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao trong “nồi canh” lại xuất hiện “sâu”? Ấy là bởi công tác tuyển dụng thiếu minh bạch, vì quá nhiều lý do liên quan đến lợi ích riêng tư đã tuyển dụng những người thiếu năng lực, mang sẵn trong mình ý đồ lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu hòng kiếm lợi riêng. Ai giới thiệu người đó vào, phía sau có gì khuất tất…? Nhìn chung là không bị “hồi tố” nên không chịu trách nhiệm gì cả, phủi tay ngó lơ y như chuyện của người khác còn mình thì vô can.

Nói chung, nếu có chuyện “hồi tố”, truy ra lý do và buộc trách nhiệm liên đới khi ai đó giới thiệu, nhận “sâu” về cơ quan; cùng với việc kiên quyết, mạnh dạn “dẹp sang một bên” cá nhân sai phạm thì sự việc sẽ biến chuyển. Có nghĩa là chặn được cả đầu vào lẫn đầu ra, để “nồi canh” trở nên ngon lành như vốn phải có.

Câu chuyện con sâu và nồi canh chắc sẽ còn dài, vì bản thân nó không hề đơn giản. Nhưng khó cũng phải làm, vì nếu không làm thì sự việc sẽ lại xấu thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con sâu và nồi canh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO