Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An cho rằng, mỗi khi chúng ta chạm đến trái tim của nhân dân thì họ kết lại thành một làn sóng có sức mạnh vô song, làm nên những điều kỳ diệu. Nghĩa cử mà người dân miền Trung trong đó có người dân Nghệ An đang gom góp gửi vào miền Nam chống dịch thật khó đo đếm. Bởi đó là con số của sức mạnh lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện này qua điện thoại chỉ vài giờ, trước khi bà Võ Thị Minh Sinh lên đường ra Hà Nội dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Lần đầu tiên ở cương vị vừa là người Mặt trận vừa là đại biểu Quốc hội, bà Sinh bảo rằng, “gánh nặng” không đến từ hai vai mà đến từ những lần đi trong “bão” dịch.
Nhưng chính trong gian khó ấy, sự sẻ chia đùm bọc của đồng bào như một món quà giúp cho bà và đội ngũ cán bộ Mặt trận tỉnh Nghệ An càng có thêm động lực để vượt lên chính mình, hoàn thành nhiệm vụ mà người dân đã tin tưởng, giao phó.
PV:Thưa bà, những ngày này người dân cả nước, đặc biệt là người miền Trung, trong đó có Nghệ An đang tìm mọi cách để san sẻ với người dân sống giữa tâm dịch TP HCM bằng những chuyến hàng cứu trợ. Theo bà, lý do gì thôi thúc người dân làm việc này ngay cả khi ở nhiều nơi vẫn đang gặp khó khăn do dịch bệnh?
Bà Võ Thị Minh Sinh: Như một lẽ tự nhiên, TP HCM và tỉnh Nghệ An là hai địa phương có mối quan hệ truyền thống rất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đối với quê hương Bác Hồ kính yêu.
Những năm qua, mỗi khi nhân dân Nghệ An gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã luôn kịp thời, động viên, chia sẻ, hỗ trợ về tinh thần và vật chất rất lớn giúp đỡ nhân dân Nghệ An vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nhân dân Nghệ An rất biết ơn, luôn khắc ghi và hun đúc tình cảm thiêng liêng đó. Những gì mà nhân dân Nghệ An đã và đang làm là nhu cầu tất yếu, thiết tha vì tình nhân ái, vì nghĩa đồng bào và vì tình yêu máu thịt đối với đồng bào miền Nam luôn hiện hữu trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân trên quê hương Bác.
Chính vì thế, khi Mặt trận tỉnh Nghệ An đứng ra kêu gọi người dân hưởng ứng tuần lễ “Vì Thành phố mang tên Bác” đã thực sự chạm đến trái tim của mỗi người và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, lan tỏa mạnh mẽ đến khắp các vùng quê xứ Nghệ, bất chấp những khó khăn mà đại dịch đang gây ra.
Chỉ sau ít ngày kêu gọi, đã có hơn 351 tấn hàng các loại gửi vào miền Nam thân yêu, trong đó có rất nhiều tấn hàng củ quả, lương thực mà bà con đã gom góp ủng hộ. Đây là sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo tỉnh Nghệ An. (Cụ thể có 292 tấn hàng qua hệ thống Mặt trận được vận chuyển bằng đường thủy tối 17/6; và 60 tấn hàng của bà con Giáo phận Vinh ủng hộ được vận chuyển bằng đường bộ ngày 15/7).
Công ty Cổ phần Vận tải biển GLS đã tài trợ miễn phí hoàn toàn cho 292 tấn hàng. Dự kiến, ngày 21/7, chuyến hàng sẽ cập cảng TP HCM, Công ty GLS sẽ chuyển giao toàn bộ số hàng trên cho Ủy ban MTTQ TP HCM để kịp thời phân bổ đến bà con vùng dịch.
Những nghĩa cử ấy khiến bà suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của người làm công tác Mặt trận - trách nhiệm của một đại biểu dân cử?
- Với kết quả của cuộc vận động trên, không thể có một con số nào có thể đo đếm chính xác được, bởi đó là “con số của sức mạnh lòng dân”, con số của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Không thể kể hết những câu chuyện vô cùng xúc động trong quá trình vận động, nhất là những việc làm thầm lặng với lời dạy “Khiêm tốn khi làm việc thiện”, “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” của đồng bào giáo dân tỉnh Nghệ An.
Rồi nhiều gia đình nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng sẵn sàng lấy toàn bộ mấy cân lạc giống để ủng hộ; những cụ già tới các em nhỏ gom từng quả trứng, củ hành, quả bí,… để góp cùng địa phương chuyển vào hỗ trợ nhân dân TP HCM.
Ngày nắng nóng hay đêm thâu người người sum vầy để chế biến lạc, vừng, cá khô, tép khô, măng chua, cà muối.... với hy vọng bảo quản được dài ngày hơn, truyền được hơi ấm tình người xứ Nghệ, thổi hồn vào từng món ăn đậm chất quê hương gửi vào miền Nam thân yêu.
Những nghĩa cử ấy lại thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: “Dân là gốc”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Mỗi khi chúng ta chạm đến trái tim của nhân dân thì họ kết lại thành một làn sóng có sức mạnh vô song, làm nên những điều kỳ diệu, không tưởng.
Đó chính là bổn phận, vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận, của người đại biểu dân cử trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “cầu nối” vững chắc giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.
Theo bà, những người sẵn lòng “nhường cơm sẻ áo” với người khác có phải là những người hạnh phúc, kể cả đó là người nghèo khó?
-Hạnh phúc xuất phát từ suy nghĩ, cảm nhận của từng người, không hoàn toàn quyết định bởi sự giàu nghèo, sang hèn mà chính là ở tâm hồn và sự thánh thiện. Bất kể người giàu hay nghèo đều có mưu cầu hạnh phúc.
Sâu thẳm trong trái tim của mỗi người đều có tính nhân văn, tình yêu thương nhân loại. Thế nên, khi nhìn thấy nỗi đau, hoạn nạn của người khác, ai ai cũng dấy lên lòng trắc ẩn, dù mức độ có thể khác nhau. Điều đó đánh thức tính nhân văn, lòng bao dung, nhân ái, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” với người khác, dù rằng cuộc sống của chính họ vẫn đầy khó khăn. Họ hướng tới điều đó như một bản năng để thỏa mãn nhu cầu hạnh phúc của bản thân mình.
Nghĩa cử cao đẹp đó chính là cội nguồn sâu thẳm, là mạch sống của tình người, nằm ngoài mọi toan tính, thiệt hơn. Đặc biệt, khi đất nước lâm nguy, khi đồng bào hoạn nạn, lòng yêu nước và tình người lại trỗi dậy hết sức mạnh mẽ, không gì có thể ngăn cản được. Đó chính là món quà quý giá nhất của cuộc sống.
Vậy món quà mà bà nhận được là gì?
- Bản thân tôi, thật may mắn được làm cán bộ Mặt trận, được tham gia sâu vào các phong trào vận động nhân dân, tôi được học từ nhân dân rất nhiều. Và khi được đồng hành cùng các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm thì cảm nhận về hạnh phúc, về những việc làm tử tế như chị nói lại càng rõ hơn, bởi họ, cũng còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, có những người làm nghề bốc vác nhưng luôn nở nụ cười mãn nguyện khi làm việc thiện… họ vui vẻ nhận cái tên “bao đồng” cho nhóm của mình, thật đáng trân trọng.
Có một đúc kết mà tôi rất tâm đắc, đó là câu nói “Người Nghệ tuy cuộc sống vất vả nhưng trọng nghĩa tình”. Và thực tế hôm nay, kết quả của cuộc vận động này là thêm một minh chứng nữa hết sức sinh động và thuyết phục cho câu nói này.
Trân trọng cảm ơn bà!