Nằm sâu dưới lòng biển Đại Tây Dương, những viên kim cương có giá trị nhất thế giới được xem là đang rơi vãi như những đồng xu bị thất lạc. Chính phát hiện này đã khiến cho hàng loạt công ty khai khoáng gần đây mở một cuộc chạy đua để tìm ra loại đá quý nằm sâu dưới lòng đại dương này.
Tàu khai thác kim cương dưới đáy biển SS Nujoma tại bờ biển Namibia. (Nguồn: AFP).
Cơn sốt kim cương đại dương
Trong suốt hơn 1 thế kỷ, các mỏ kim cương lộ thiên đã trở thành thứ tài sản giá trị nhất thế giới, với chỉ một số ít mỏ ở châu Phi đã giúp sản sinh ra hàng tỷ USD. Nhưng các mỏ này ngày càng cạn kiệt. Giới chuyên gia dự đoán rằng sản lượng của các mỏ này sẽ giảm 2% mỗi năm trong những năm tới. Và đến năm 2050, các mỏ này sẽ cạn.
Bởi vậy mà các “mỏ nổi” - ám chỉ các tàu khai thác kim cương trên biển - đã trở thành niềm hy vọng mới cho ngành công nghiệp kim cương của thế giới, và cũng giúp mang lại nguồn tài chính mới cho các quốc gia như Namibia - vốn có nền kinh tế phụ thuộc vào kim cương. Năm ngoái, các công ty khai khoáng đã khai thác được số kim cương trị giá 600 triệu USD từ bờ biển Namibia.
“Khi các mỏ lộ thiên ở Namibia dần cạn kiệt, điều quan trọng là chúng tôi, cũng như Namibia, là phải tìm các mỏ mới” - Bruce Cleaver, Giám đốc điều hành công ty khai khoáng De Beers, cho hay.
Nhìn từ trên cao thì các con tàu khai khoáng không khác gì một dàn khoan dầu khí, khi có chiều dài lớn cùng sân đỗ cho máy bay trực thăng. Ngày nay, các con tàu kiểu này hường sử dụng các ống hút cỡ lớn để khai thác vùng đáy biển và xử lý trên khoang tàu.
Các viên kim cương được hình thành khí Carbon bị nung ở nhiệt độ cao và chịu áp suất cực lớn dưới lòng đất. Nhiều viên kim cương bị đẩy lên mặt đất từ nhiều triệu năm trước trong các đợt phun trào núi lửa. Trong các thập kỷ qua, các nhà địa chất học đã nhận ra rằng, do kim cương có thể được tìm thấy ở sông Orange, Namibia, nên có nhiều khả năng chúng cũng có thể được tìm thấy dưới đáy biển.
Và theo phân tích, các viên kim cương khai thác từ biển có giá trị cao hơn những viên được tìm thấy tại các mỏ lộ thiên trên bờ nhờ sở hữu độ trong hoàn hảo.
De Beers, công ty đã thống trị ngành sản xuất kim cương thế giới suốt nhiều thập kỷ qua, đã nhận được quyền khai thác trên diện tích 3.000 dặm vuông dưới đáy biển Namibia trong năm 1991. Nhưng đến nay, họ mới chỉ khám phá được 3% diện tích trên.
Được biết công nghệ khai thác kim cương dưới đáy biển phải mất nhiều năm liền để phát triển. Chỉ mãi đến gần đây, một công ty hàng đầu được cho là có khả năng tìm kiếm kim cương dưới đáy biển một cách hiệu quả. Kim cương đáy biển tuy chỉ đóng góp 13% tổng giá trị từ kim cương mà De Beers bán ra, nhưng ngày càng có nhiều nước đang thúc đẩy việc thăm dò dọc vùng biển của mình để tìm kim cương.
Khi các mỏ trên bờ dần cạn
Năm 1908, một công nhân đường sắt tên Zacharias Lewala đã nhặt được một viên đá rất sáng trên vùng sa mạc phía Tây nam Namibia. Kể từ đó, cơn sốt kim cương ở Nam Phi đã trỗi dậy mạnh mẽ trong suốt nhiều thập kỷ, và giờ lại chứng kiến một đợt bùng nổ khác ở khu vực Tây Bắc châu lục này.
Nhưng sau một thế kỷ, rất nhiều trong số các mỏ kim cương này đã trở thành các “thị trấn ma”. Tất cả những gì còn lại ở thành phố Kolmanskop, nơi viên kim cương đầu tiên được tìm thấy ở Namibia, chỉ là những ngôi nhà gỗ bỏ hoang. Nó cho thấy sự hủy hoại mà ngành công nghiệp này mang đến.
Các công ty khai khoáng đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển công nghệ dò tìm mỏ mới. Và họ thực sự đã tìm thấy nhiều mỏ lớn: Năm 1982 ở Botswana, De Beers đã mở một mỏ có tên Jwaneng, có sản lượng 12 triệu carat kim cương mỗi năm, tức trị giá trên 2 tỷ USD.
Nhưng trữ lượng kim cương trong những năm gần đây bắt đầu giảm dần, trong khi nhu cầu loại đá này vẫn ở mức cao. Năm ngoái, thế giới đã chi khoảng 80 tỷ USD để mua trang sức có gắn kim cương, hơn một nửa số đó là ở Mỹ, được xem là mức cao kỷ lục. Nhu cầu kim cương ở các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng cao.
Xu hướng đã khiến cho các mỏ kim cương đáy biển ở Namibia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong những năm 1990, De Beers đã triển khai tàu thương mại đầu tiên của họ tới Đại Tây Dương để tìm kim cương. Giờ đây, hơn 90% thu nhập từ bán kim cương của Namibia đến từ các mỏ ngoài khơi.
Hiện nay, công ty De Beers đang sử dụng máy bay không người lái để tìm kiếm trên đại dương các khu vực khai thác kim cương tiềm tàng. Công ty này cho hay, phần lớn các viên kim cương đại dương đều nằm rất nông so với đáy biển, thường chỉ nằm dưới bề mặt đáy biển có vài m.
Rõ ràng ngành khai thác kim cương dưới đáy biển đang giúp cho nền kinh tế Namibia phát triển trở lại. Nhưng trong khi lợi nhuận từ việc bán kim cương đã giúp nhiều người ở nước này trở nên giàu có, đất nước này vẫn là nước có chỉ số bất bình đẳng đứng thứu 3 thế giới, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), với hàng triệu người không được hưởng gì từ ngành công nghiệp này.