Quốc tế

Cơn sốt vàng kéo dài đến bao giờ?

Thanh Đức 17/06/2024 08:35

Cho dù có biến động lên xuống, nhưng theo giới chuyên gia tài chính quốc tế thì nhu cầu mua vàng vẫn rất mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và giá vàng có thể lên tới 2.600/ounce vào cuối năm.

anhbaitren.jpg
Một cửa hàng vàng trong khu chợ Gold Souk ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Nguồn: Getty Images.

Ounce là đơn vị đo lường phổ biến, xuất hiện ở Anh từ những năm 1185, là một trong những đơn vị đo lường được sử dụng nhiều trên thế giới. Các con số đo ounce không thay đổi theo thời gian. Với Việt Nam, 1 ounce = 8,29426 chỉ vàng.

Kể từ đầu năm tới ngày 15/6, giá vàng đã tăng hơn 12%. Phát biểu bên lề hội nghị kim loại quý châu Á Thái Bình dương tại Singapore, ông Ruth Crowell - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường vàng London (Anh) cho rằng có nhiều lý do thúc đẩy giá vàng, nhưng quan trọng nhất là việc nhiều quốc gia tăng cường mua dự trữ trước rủi ro địa chính trị lẫn kinh tế.

Tiến sĩ Amar, người phụ trách mảng kim loại quý khu vực châu Á - Thái Bình dương và Trung Đông tại StoneX cho rằng, nhu cầu mua vàng vật chất vẫn mạnh mẽ và giá vàng có thể sẽ lên đến 2.600 - 2.700 USD/ounce trong năm nay (gần 69 triệu VND). Vị chuyên gia này cũng cho rằng, những tháng cuối năm 2024, giá vàng thế giới có thể còn tăng nhưng những dự đoán lên tới 3.000 USD/ounce là vô lý (hơn 76 triệu VND, tính giá quy đổi vào ngày 15/6/2024).

Nương theo giá vàng, giá bạc cũng đang giao dịch với mức cao nhất trong hơn 11 năm. Bạc vừa là tài sản đầu tư vừa là kim loại công nghiệp được sử dụng trong thiết bị điện tử và tấm pin mặt trời. Ông Michael DiRienzo - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Bạc thế giới cho rằng triển vọng của giá bạc là “rất tươi sáng” khi xét đến nhu cầu sử dụng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Trong khi đó, đại diện Hội đồng Vàng thế giới (WGC) lại cho rằng việc ngày càng khó khăn trong việc khai thác vàng cũng là một nguyên nhân khiến giá kim loại quý này tăng. Theo chuyên gia của WGC, ông John Reade, thực tế cho thấy trên khắp thế giới ngày càng khó tìm được các mỏ vàng mới vì các khu vực tiềm năng đều đã được phát hiện và khai thác. Trong khi phải mất trung bình từ 10 - 20 năm trước khi một mỏ sẵn sàng đi vào sản xuất. Ngay cả trong quá trình thăm dò, khả năng tiến tới phát triển mỏ là thấp: chỉ có khoảng 10% địa điểm được phát hiện có vàng trên toàn cầu chứa đủ lượng kim loại quý này để đảm bảo khai thác.

“Chưa hết, ngoài quá trình thăm dò, việc xin được giấy phép của các chính phủ ngày càng khó khăn, ít nhất là 5 năm mới có giấy phép” - ông Reade nói.

Kể từ đầu tháng 6 tới ngày 10/6, giá vàng thế giới gần như “đứng yên” trung bình ở mức 2.332,55 USD/ounce. Tuy nhiên, sang ngày 15/6, nó đã nhích tăng. Nguyên nhân trực tiếp được cho là do hoạt động bán tháo cổ phiếu tại châu Âu.

Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa Bart Melek (Ngân hàng TD Securities) cho rằng, việc thị trường chứng khoán suy yếu và đồn đoán lãi suất nhiều ngân hàng trung ương trong vai trò dẫn dắt sẽ được cắt giảm đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn. Còn theo chiến lược gia thị trường Phillip Streible (Công ty Giao dịch hàng hóa Blue Line Futures) thì việc “lung lay” của giá vàng khiến thị trường xuất hiện những người săn hàng giá hời.

Riêng với châu Á, giới phân tích cho rằng do niềm tin giảm vào các lựa chọn đầu tư khác, như bất động sản và cổ phiếu là một yếu tố khiến nhu cầu vàng tăng cao. Nửa đầu tháng 6, mức giao dịch chung đã vượt 2.300 USD/ounce. Trong khi đó, theo ông Bruce Ikemizu - Giám đốc điều hành Hiệp hội vàng Nhật Bản thì trước mắt giá vàng sẽ khó giảm khi mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tiếp tục đổ tiền vào "tài sản trú ẩn an toàn" là vàng. Cũng rất đáng chú ý khi các nhà đầu tư trẻ tuổi ngày càng quan tâm tới thị trường vàng, với ý nghĩa giao dịch kiếm lời chứ không phải là cất giữ.

Nuttapong Hirunyasiri - Giám đốc điều hành của MTS Gold Group cho biết, tại Thái Lan, người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng vàng ngay khi có tin giá vàng tăng cao. Trong khi đó, vàng tại Ấn Độ đã được giao dịch ở mức thấp hơn so với giá quốc tế trong 5 tuần liên tiếp, phản ánh nhu cầu yếu ở nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới. Lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2024 dự kiến sẽ giảm gần 20%, do giá vàng cao kỷ lục đã khiến người tiêu dùng đổi đồ trang sức cũ lấy đồ mới thay vì mua mới.

Trong vòng 13 năm qua, thị trường vàng thế giới đã trải qua nhiều “cơn sốt”. Đầu tiên là “cơn sốt 2011 - 2012”, sau đó giá vàng giảm dần. Tới năm 2016 “cơn sốt” lại bùng phát, vắt sang nửa đầu năm 2017 mới lắng xuống. Sang đến năm 2020, giá vàng một lần nữa dậy sóng ngay cả khi thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19. Đến năm 2022 - 2023, giá vàng thế giới được coi là “phi mã” khi một số khu vực xảy ra bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, năm 2024 được coi là “cơn sốt” nặng nhất khi chỉ trong vòng 5 tháng giá vàng đã tăng 12%. Như vậy, có thể thấy những “cơn sốt” vàng đã ngày một thu hẹp, tính theo thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơn sốt vàng kéo dài đến bao giờ?