Đó là ông Phạm Thiện Trực- Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) khu dân cư số 8 phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội). Gắn bó với công tác Mặt trận gần 20 năm, điều mà ông tự hào nhất đó là luôn được bà con ở khu phố quý mến, tin yêu.
Ông Phạm Thiện Trực.
Gần dân, gương mẫu, đi đầu
Khu dân cư số 8 phường Văn Miếu được biết đến là khu dân cư có nhiều cái nhất. Với 395 hộ dân và 1750 nhân khẩu, đây khu dân cư đông nhất, nghèo nhất nhưng cũng đoàn kết, tình cảm nhất và có các chi hội đoàn thể hoạt động mạnh nhất phường.
“Vốn quê gốc ở Nam Định, khi lên Hà Nội sinh sống và công tác gắn bó với khu dân cư số 8 gần nửa đời người tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy phần đông đời sống các hộ dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân nhà cửa xập xệ, đường xá đi lại nhỏ hẹp, kém vệ sinh, tệ nạn xã hội trong khu phố có thời điểm đứng thứ 2 của quận.
Năm 1999 riêng khu dân cư số 8 đã có 55 người nghiện ma túy, chiếm 50% số người nghiện trên địa bàn phường”- ông Trực cho biết. Với trách nhiệm của một Phó bí thư chi bộ, ông Trực đã tham mưu với cấp ủy nhiều chương trình công tác, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương...
Đồng thời, ở cương vị là Trưởng ban CTMT, ông luôn tích cực gương mẫu, đi đầu và vận động nhân dân tham gia làm vệ sinh vào mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, không ngồi bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Bên cạnh đó, ông còn đề xuất cảnh sát khu vực vận động đưa người nghiện đi cai, đẩy mạnh hoạt động Câu lạc bộ B93 quản lý người nghiện tại cộng đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lầm lỡ.
Nhớ lại những lần đến các hộ dân vận động người nghiện đi cai là cả một kỉ niệm khó quên đối với ông Trực.
“Bởi có người nghiện khi đến vận động họ thấy mình nói thấu tình đạt lý thì hứa sẽ đi cai. Nhưng cũng có trường hợp, chúng tôi mới bước đến cửa nhà họ đã giơ bơm kim tiêm lên dọa. Khi đó, tôi đã nhẹ nhàng nói mình là hàng xóm đến thăm hỏi, chia sẻ chứ không phải chính quyền nên họ cũng dần lấy lại bình tĩnh và lắng nghe chúng tôi nói”- ông Trực kể.
Nhờ đó, những năm gần đây tình hình tệ nạn xã hội trong khu dân cư số 8 đã giảm hẳn. Đã có 5 người cai nghiện thành công, được bố trí công ăn việc làm, không có người tái nghiện và không phát sinh người nghiện mới. Nhiều năm liền, khu dân cư không có đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Toàn khu dân cư hiện nay chỉ còn lại 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Năm 2015, tỷ lệ gia đình văn hóa ở khu dân cư đạt 93%; có 3/5 tổ dân phố được công nhận là tổ dân phố văn hóa. Ban CTMT và các chi hội đoàn thể như Người cao tuổi, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đều được công nhận là chi hội xuất sắc.
Kiến nghị hợp tình, hợp lý
Vừa là Trưởng ban CTMT, đại biểu HĐND, ông Trực luôn phát huy vai trò đại diện quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền, nhất là trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng...
Thấy khu đất công của KDC bị một đơn vị chiếm dụng nhiều năm không trả, đường ngõ chưa được chiếu sáng, mất vệ sinh, qua các đợt tiếp xúc cử tri và các cuộc họp HĐND phường ông đều lên tiếng kiến nghị với quận, phường cho lắp đèn chiếu sáng, bê tông hóa các ngõ ngách để thuận tiện cho nhân dân đi lại và thu hồi các diện tích đất bị lấn chiếm để xây nhà hội họp cho nhân dân.
Những kiến nghị hợp tình, hợp lý của ông được đáp ứng ngày càng tăng thêm niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, MTTQ.
Đặc biệt, từ khi khu dân cư số 8 xây dựng xong nhà sinh hoạt cộng đồng, bà con trong khu dân cư rất phấn khởi. Bởi từ đây bà con không chỉ có chỗ sinh hoạt, hội họp mà mỗi khi gia đình trong khu có cưới hỏi, ma chay... đều có thể mượn trụ sở để tổ chức. Do đó, tình làng, nghĩa phố trong khu dân cư vì thế mà càng thêm gần gũi, gắn bó.
Khi hỏi và tìm đến gặp ông Trưởng ban CTMT khu dân cư, người dân trong khu đều biết ông Trực và tận tình chỉ đường cho chúng tôi tìm đến nhà. Ông chia sẻ, điều mà ông tự hào nhất khi gần 20 năm gắn bó với CTMT đó là tình cảm của những cán bộ Mặt trận cùng công tác và bà con khu phố dành cho mình. Khi ông gặp khó khăn hay ốm đau, bệnh tật mọi người đều đến thăm, động viên. Với ông đó là những “cái được” khi làm công tác xã hội mà không có tiền bạc nào có thể mua được.
Hơn nữa, khi nói về khu dân cư số 8, ánh mắt ông không khỏi ánh lên niềm vui. Ông cho biết, người dân ở đây tuy nghèo nhưng rất đoàn kết, tất cả các khoản đóng góp, những cuộc họp của khu phố, phường bà con cũng đều tham gia đầy đủ. Nhất là ngày lễ, kỉ niệm như Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, các hộ đều đến dự đông đủ, chật cả hội trường.
Ông tâm sự, với một KDC đông, để đoàn kết mọi người thì những người làm lãnh đạo, làm cán bộ Mặt trận phải rất tâm huyết với công việc, làm gì cũng phải có trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Cán bộ Mặt trận phải là người công tâm, đứng ra giải quyết những mẫu thuẫn, khúc mắc của bà con. Có như vậy mới được người dân yêu mến và tin tưởng làm theo.
Khi được hỏi ông sẽ tham gia công tác chính quyền và Mặt trận đến khi nào? Ông Trưởng ban CTMT năm nay đã 72 tuổi vui vẻ nói: “Nhờ tham gia công việc phường, làm CTMT hàng ngày được tiếp xúc, gắn bó với bà con tôi cảm thấy mình vui hơn, khỏe hơn và trẻ ra. Vì thế, khi nào vẫn còn sức khỏe tôi vẫn muốn gắn bó với công tác Mặt trận”.