Chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng trở lại đây, thế giới chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên chưa từng thấy trong quá khứ, từ nắng nóng kỷ lục, cháy rừng, đến lũ lụt bất thường… Thiệt hại sau những “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên là rất lớn, đôi khi nó còn để lại ký ức khó phai đối với những người bị ảnh hưởng.
Lũ chồng lũ
“Tôi đã sống ở Dinant 57 năm, nhưng chưa bao giờ thấy trận lũ nào như vậy” - ông Richard Fournaux, cựu thị trưởng thành phố bên sông Meuse của Bỉ chia sẻ trên mạng xã hội về sức mạnh của cơn lũ mới vào cuối tuần qua khi thành phố Dinant của Bỉ vừa thoát khỏi trận lũ lụt kinh hoàng vào 10 ngày trước, khiến 37 người ở khu vực Đông Nam nước này và nhiều người khác ở Đức thiệt mạng.
Thành phố Dinant hứng chịu đợt lũ mạnh nhất trong hàng chục năm, sau khi trận mưa lớn kéo dài 2 giờ hôm 25/7 biến phố thành sông, nước chảy như thác nhấn chìm hàng loạt ô tô và vỉa hè trong biển nước.
Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới từng nhấn mạnh: “Nếu không có biến đổi khí hậu, chúng ta đã không phải chứng kiến nhiệt độ cao như vậy ở Canada và bờ biển phía Tây của Mỹ. Đây là một dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu”.
Nước mưa tràn xuống những con phố dốc đã cuốn trôi hàng chục ô tô, khiến xe chất thành đống tại một ngã tư. Lũ lụt cũng cuốn phăng nhiều tảng đá, “nuốt chửng” vỉa hè và nhiều tuyến đường, trong khi người dân chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng từ cửa sổ.
Đánh giá sơ bộ về thiệt hại do lũ lụt, Thị trưởng thành phố Dinant Axel Tixhon cho biết: “Chúng tôi ghi nhận nhiều thiệt hại về vật chất vào thời điểm này, bao gồm nhiều phương tiện bị nước cuốn trôi và thiệt hại về vật chất của người dân - những người chưa bao giờ trải qua sự kiện như thế này. Họ đã không có sự chuẩn bị”.
Theo đài truyền hình RTL của Bỉ, hiện vẫn chưa có ước tính chính xác về thiệt hại do lũ lụt gây ra, tuy nhiên giới chức Dinant dự đoán trận lũ lần này sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho khu vực.
Trong khi đó, cơn bão In-Fa đổ bộ vào thành phố Thượng Hải, Trung Quốc hôm 26/7 cũng đã khiến chính quyền nước này phải đình chỉ hàng trăm chuyến bay, tuyến tàu điện ngầm, người dân được yêu cầu làm việc ở nhà.
Bão In-Fa quét qua Thượng Hải sau khi đổ bộ vào thành phố Chu Sơn sáng 25/7. Cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc cho biết, các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô cũng như thành phố Thượng Hải, tất cả đều thuộc miền Đông Trung Quốc, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi gió lớn và mưa xối xả trong vài ngày tới.
Chính quyền địa phương nâng cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra lũ lụt sau khi những trận mưa “nghìn năm có một” hồi tuần trước trút xuống tỉnh Hà Nam gây ra lũ lụt nghiêm trọng, khiến 69 người thiệt mạng.
Đến nay, chưa có báo cáo thiệt hại về người do bão In-Fa gây ra. Tuy nhiên, cơn bão đã làm gián đoạn đáng kể cuộc sống của người dân. Nhiều con đường bị ngập trong nước và các tuyến tàu điện ngầm phải ngừng hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng các trận lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, và các quốc gia cần phải có biện pháp thích ứng, bằng cách sửa đổi các tính toán về rủi ro lũ lụt trong tương lai, cải thiện hệ thống cảnh báo và chuẩn bị cho các thảm họa tương tự.
Đi cùng nắng nóng là cháy rừng
Sau đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên đến 37 độ C khiến nhiều người thiệt mạng hồi cuối tháng 6 vừa qua, nhiều vùng của nước Mỹ đang phải hứng chịu những đợt cháy rừng nghiêm trọng như vụ cháy rừng ở bang Oregon (Mỹ) được đặt tên là Bootleg. Hơn 300.000 ha (tương đương 1.214 km vuông) rừng đã bị lửa tấn công.
Ước tính, đám cháy Bootleg đã lan rộng trên một diện tích gần 138.000 ha, lớn hơn thành phố Los Angeles. Trong hai tuần, hơn 2.100 người đã phải đi sơ tán và 67 ngôi nhà xung quanh bị thiêu hủy hoàn toàn.
Trong khi đó, gần đây hơn, đám cháy Dixie tại Bắc California khởi phát từ giữa tháng 7 đang lan rộng ra các khu rừng bang này. Đám cháy được đánh giá là ngày càng trở nên nghiêm trọng khi đang tạo ra một hệ thống thời tiết riêng tại đây, khiến 5.400 lính cứu hỏa Mỹ đang chạy đua với thời gian để khống chế.
Đến nay, cháy rừng đã tàn phá diện tích trồng rừng nhiều gấp 3 lần so với năm 2020, vốn được đánh giá là năm cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử California.
Các chuyên gia khí tượng học cảnh báo tình hình có thể xấu hơn trong những ngày tới. “Giặc lửa” đã nhanh chóng bùng phát mạnh đến mức tạo ra các đám mây có thể gây ra chớp, sấm sét và gió mạnh, khiến đám cháy càng trở nên dữ dội.
Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ dự báo, cháy rừng có thể tiếp tục xuất hiện và lan rộng trong nhiều ngày tới. Hiện nay, trên toàn nước Mỹ có khoảng 80 vụ cháy rừng lớn, với tổng diện tích lên tới gần 400.000 ha.
Hiện tượng cháy rừng cũng đang bùng phát ở các khu vực trên khắp Nam Âu, do thời tiết nóng và gió mạnh, trong khi các nước Bắc Âu vừa trải qua những trận lũ lụt kinh hoàng cách đây 10 ngày.
Tại Italy, ngày 26/7, cháy rừng lan rộng mất kiểm soát tại tỉnh Oristano, vùng Sardegna, đã khiến hơn 1.500 người phải sơ tán, 20.000 ha diện tích rừng, cánh đồng, vườn ô liu bị thiêu trụi, nhiều cơ sở kinh doanh, nhà cửa bị phá hủy.
Chủ tịch vùng Sardegna, ông Christian Solinas cho biết: “Hiện vẫn chưa thể ước tính được thiệt hại do các đám cháy gây ra, đây là một thảm họa chưa từng xảy ra. Hơn 10.000 ha thảm thực vật bị thiêu trụi, các cơ sở kinh doanh, nhà cửa bị đốt cháy. Lực lượng cứu hỏa được huy động tối đa với 7.500 người và 20 trực thăng chữa cháy”.
Cùng với đó tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết, các nhân viên cứu hỏa của nước này đã chiến đấu với khoảng 50 đám cháy trong 24 giờ qua và có khả năng sẽ còn nhiều hơn nữa với các nhà khí tượng cảnh báo rằng một đợt nắng nóng nữa sắp xảy ra.
Ông nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tháng 8 vẫn là một tháng khó khăn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với tất cả chúng ta, tất cả các cơ quan nhà nước, phải cảnh giác tuyệt đối cho đến khi thời gian chữa cháy chính thức kết thúc”.