Vừa qua Bộ công an vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt xử lý hình sự, bắt giam, khám xét một loạt các cá nhân, công ty thu hồi nợ, công ty tài chính, app vay tiền về các hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, làm nhục người khác.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các đối tượng đã có hành vi cho vay với lãi suất cắt cổ, thực hiện các hành vi khủng bố tinh thần, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và làm nhục người khác, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người khác.
Điều này đã gây bức xúc cho dự luận, người dân khi mà các đối tượng thực hiện trong thời gian tương đối dài, công khai, manh động, côn đồ và bất chấp pháp luật. Tuy nhiên, đối với các khoản vay cá nhân đã vay thì theo quy định pháp luật các khoản này người vay vẫn phải trả lại hoặc bị công an truy thu vì là tang vật của vụ án hình sự.
“Nếu đã khởi tố hình sự thì những thỏa thuận về lãi suất sẽ vô hiệu, tuy nhiên, người vay vẫn phải trả lại khoản vay gốc. Trường hợp này người vay nên chờ thông báo và phối hợp với cơ quan điều tra khi có yêu cầu để nộp lại cho Cơ quan tố tụng để giải quyết theo quy định pháp luật”, Luật sư Hùng khẳng định.
Cụ thể, Luật sư phân tích, Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng Hình sự, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vì thế, mà cơ quan tố tụng sẽ tịch thu, sung công quỹ nếu có căn cứ cho rằng số tiền trên là công cụ, phương tiện, vật mang dấu vết tội phạm. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ thu giữ các khoản tiền này và chờ khi có phán quyết của Tòa án để xử lý vật chứng.
Trước đó, tình trạng vay tiền qua app trên mạng đã diễn ra rất phổ biến. Các tổ chức, cá nhân cho vay tiền đã lợi dụng tính nhanh, gọn của Internet để lừa người dân vay tiền lúc khó khăn với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1.000%. Trước thực trạng này, lực lượng Công an đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi qua app.
Theo Bộ Công an, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (smart phone).
Việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân.
Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Bộ Công an cũng khuyến cáo, khi vay tiền qua app, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.