Ngày 16/4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Phòng chống ma túy đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Phòng chống ma túy. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho biết: Luật gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Luật quy định cụ thể chính sách phòng, chống ma túy, trong đó nhấn mạnh ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy. Luật cũng quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái ph
ép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, dược chất, hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa ma túy, tiền chất. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy quản lý sau cai nghiện ma túy. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là quy định mới của luật so với Luật Phòng chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008. Luật quy định cụ thể trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan, xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Người sử dụng trái phép chất ma túy được lập danh sách và quản lý, theo dõi, hỗ trợ ngay từ lần đầu bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và đây không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Về vụ sử dụng trái phép chất ma túy tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 vừa được phát hiện, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Việc lập danh sách liên quan đến việc mua bán trái phép và sử dụng trái phép chất ma túy vừa được Công an Hà Nội phát hiện tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 là biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của Tòa án. Do đó thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Còn việc lập danh sách đối với người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật này là biện pháp phòng ngừa khi cơ quan chức năng phát hiện ra người đó lần đầu tiên sử dụng trái phép chất ma túy và đây không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nó nhẹ hơn rất nhiều so với biện pháp bắt buộc chữa bệnh của người bị phạt án tù, đi thi hành quyết định chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 bởi trường hợp này thuộc phạm vi của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Trả lời về việc đảm bảo quyền lợi của đối tượng đưa vào cai nghiện bắt buộc từ 12 đến 18 tuổi, nhất là quyền học tập của người đang đi học, Thượng tá Ngô Thanh Bình cho rằng: Tại Điều 33 của Luật Phòng chống ma túy vừa được Quốc hội thông qua ngoài đảm bảo các thủ tục thông thường với các đối tượng trên thì trong đó đã quy định trình tự thủ tục là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trong đó hồ sơ có tham vấn ý kiến của người đại diện hợp pháp của trẻ em, ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp để đảm bảo quyền tốt nhất cho trẻ em trong đó có quyền học tập.