Công bố một số đạo luật mới

Kiên Long 29/04/2016 16:10

Sáng 29/4, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số đạo luật mới.

Đó là: Luật báo chí; Luật tiếp cận thông tin; Luật trẻ em; Luật dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật điều ước quốc tế; Pháp lệnh quản lý thị trường và Nghị quyết về phê chuẩn Công hàm thỏa thuận và cấp thị thực giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua.

Luật báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017) gồm 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung luật Báo chí năm 1999.

Nội dung Luật quy định rõ hơn về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Luật cũng quy định rõ về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; về quyền tác nghiệp của báo chí trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm.

Quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin chỉ khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cùng trách nhiệm bảo vệ người cung cấp thông tin.

Luật cũng quy định rõ về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, những hành vi bị cấm, về cải chính và xử lý vi phạm...

Luật lần này có những quy định cởi mở hơn, như điều kiện cấp thẻ nhà báo lần đầu chỉ cần có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ 2 năm trở lên tính đến thời điểm cấp thẻ (hiện quy định 3 năm trở lên)...

Luật tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều, có hiệu lực từ 1/7/2018, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về “mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người”, “tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp” “bảo đảm quyền được thông tin” của công dân, theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013.

Theo đó, Luật quy định rõ vấn đề Công khai thông tin (Chương 2), Cung cấp thông tin theo yêu cầu (Chương 3), Trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin cảu công dân (Chương 4)...

Với vấn đề công khai thông tin, ngoài các thông tin quy định phải công khai như thủ tục hành chính, quy trình giải quyết... căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước phải chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Các quy định thông tin cụ thể, bắt buộc phải đăng tải trên trang thông tin, cổng thông tin điện tử để người dân có thể tiếp cận...

Luật Trẻ em (có hiệu lực từ 1/6/2017) gồm 7 chương, 106 điều thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Luật mới tăng thêm các quyền và bổn phận trẻ em.

Nếu luật trước đó quy định có 10 nhóm quyền của trẻ em thì luật lần này quy định 25 nhóm quyền, như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột lao động.v..v.

Cùng với 3 luật trên, các luật khác đều có nhiều quy định mới. Như Luật Dược (14 chương, 116 điều, có hiệu lực 1/1/2017) quy định nhiều chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực dược và phát triển công nghiệp dược; quy định về quản lý nhà nước về giá thuốc; về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc; công tác dược lâm sàng; chứng chỉ hành nghề dược...

Pháp lệnh quản lý thị trường với 8 chương, 46 điều đã tạo lập cơ sở pháp lý chung thống nhất, rõ ràng, minh bạch về hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường; bảo đảm sự minh bạch, thống nhất, hợp lý và hiệu quả của hoạt động kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh và bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin, rằng cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên - Môi trường mới đây về nguyên nhân dẫn đến cá ven biển miền Trung chết liệu có đúng luật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, đây chưa hẳn là một cuộc họp báo vì còn thiếu phần trao đổi, chưa kể những thông tin chưa đáp ứng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, khi Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực, những thông tin như Dự án đánh giá tác động Môi trường của các khu công nghiệp càng cần phải công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố một số đạo luật mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO