Sau vụ cá chết hàng loạt bất thường trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong ngày 16 và 17/5. Hiện đã đã có kết luận nguyên nhân gây ra trình trạng trên là do nước bị ô nhiễm hữu cơ khí độc cục bộ, vì cơn mưa đầu mùa cuốn dòng nước ô nhiễm thượng nguồn cùng rác và khí thải từ đầu kênh phía quận Tân Bình đổ xuống.
Cá chết trắng, nổi hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN & PTNN TP Hồ Chí Minh: “Ngay sau khi nhận được thông tin hiện tượng cá chết hàng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở đã chỉ đạo Chi Cục quản lý chất lượng & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cử cán bộ tiến hành kiểm tra tình hình và lấy mẫu nước phân tích các chỉ tiêu lý hóa nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Căn cứ kết quả kiểm tra tại hiện trường và kết quả phân tích mẫu nước cho thấy một số chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép là nguyên nhân chính gây cá chết đó là: Nhiệt độ: 34-34,4 độ C, độ trong <20cm ô nhiễm hữu cơ, PH 8,7-9,0; NH3:0,36mg/L, NH4:1,0mg/L. Do đó, nguyên nhân gây ra cá chết do nước bị ô nhiễm hữu cơ khí độc cục bộ vì cơn mưa đầu mùa cuốn dòng nước ô nhiễm từ thượng nguồn cùng rác thải và khí thải từ đầu kênh phía quận Tân Bình đổ xuống”. “Theo kết quả xét nghiệm, nguyên nhân cá chết là tương đồng với những năm trước. Năm nay, đặc biệt độ PH cao hơn, khiến số lượng cá chết nhiều hơn”, ông Trung cho biết thêm.
Cùng với đó, Sở NN & PTNT TP.Hồ Chí Minh đã cho rải xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè 5 tấn vi sinh hữu cơ nhằm tăng cường độ oxi, hòa tan nước dưới kênh. Ông Trung lưu ý: “Chúng tôi khuyến cáo người dân, không nên vớt cá để sử dụng cho người và gia súc. Hiện nay, độ ô nhiễm của nước chưa ổn định, người dân không nên thả cả xuống kênh”.
Công nhân Công ty môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh
khẩn trương vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN & PTNT TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Nguyên nhân cá chết do mùa mưa mới bắt đầu, mưa xuống đã kéo theo nước ô nhiễm đổ vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tạo thành dòng đối lưu tích tụ sinh ra ô nhiễm hữu cơ, từ đó sinh ra khí độc, và một số chỉ tiêu lý hóa. Biện pháp trước mắt là sử dụng sản phẩm được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản vừa hóa chất vừa vi sinh để lắng tụ hữu cơ, hấp thụ khí độc và phân hủy, hạn chế cá chết. Giải pháp về lâu dài phải triển khai dự án hệ thống tích tụ xử lý nước xả ra ngoài kênh”.
Sau khi xảy ra sự việc cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công ty môi trường đô thị tập trung vớt cá, với trên 16 phương tiện, ca nô, tàu cùng nhiều công nhân. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các công ty công ích quận - huyện, khu đường sông, tập trung tối đa vớt toàn bộ cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong thời gian sớm nhất. Sau đó đưa đến bãi rác Đa Phước xử lý với công tác giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Cá chết sau khi vớt được đưa đến bãi rác Đa Phước xử lý,
với công tác giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận, Bí thư các quận: 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh. Theo đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ban nghành liên quan kiểm tra, có biện pháp giải quyết, xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, báo cáo Thường trực Thành ủy trong ngày 18/5. Đồng thời, Thành ủy TP Hồ chí Minh cũng giao Bí thư quận ủy các quận: 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh chỉ đạo UBND quận, Ban dân vận quận ủy khẩn trương nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý ngay các vấn đề liên quan đến tình trạng cá chết, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy các tình huống phát sinh.