Đó là vấn đề được PGS.TS Trần Thị Kim Thu - Khoa Thống kê Đại học Kinh tế quốc dân đặt ra tại hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 31/7.
Trước vấn đề được các ĐBQH đặt ra tại kỳ họp thứ 9 về việc chênh lệch số liệu thống kê về thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc, bà Lê Thị Minh- Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết điều đó liên quan đến phương pháp thống kê như: Sự khác biệt do tiêu chí thống kê nước đối tác giữa xuất khẩu và nhập khẩu; phạm vi hàng hóa đưa vào thống kê; sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê; xác định giá trị thống kê khác nhau.
“Và có một nguyên nhân nữa là liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại do doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế, đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp. Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể khai giá trị xuất khẩu cao để hưởng khấu trừ thuế cao” - theo bà Minh.
Bà Minh kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương trao đổi với phía Trung Quốc phối hợp thực hiện rà soát số liệu với sự tham gia của hải quan, thống kê, hoạch định chính sách thương mại để lượng hóa tác động của từng nguyên ngân.
Cũng theo bà Minh, cần có các biện pháp để kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý các luồng hàng ra vào Việt Nam để hỗ trợ sản xuất trong nước, bởi buôn lậu bóp chết sản xuất trong nước.
“Dù thời gian qua trong công tác chống buôn lậu, các giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa hiệu quả nhiều nên phải cần tăng cường. Có như vậy mới đem lại lợi ích cho Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại như hiệp định ASEAN-Trung Quốc và hiệp định TPP trong thời gian tới” - bà Minh đề nghị.
Theo PGS.TS Trần Thị Kim Thu - Khoa Thống kê ĐH Kinh tế quốc dân thì trong trường hợp cung cấp số liệu không chính xác khách quan thì cần phải bị xử lý. Tuy nhiên Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi lần này lại chưa nói rõ điều đó. “Vậy trách nhiệm thuộc cơ quan nào? ai xử lý? thì cần quy định cho rõ trong luật” - bà Thu đặt vấn đề.
Nhấn mạnh đến yếu tố cần đảm bảo tính độc lập, khách quan của tổ chức Thống kê nhà nước, sau khi đưa ra một loạt viện dẫn, PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc - nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm thủy sản cho rằng: Nếu để Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư thì có ưu điểm là được Bộ quan tâm tạo mọi điều kiện cũng như văn bản trình Chính phủ nhanh hơn. Tuy nhiên ở góc độ khoa học thì còn có hạn chế, bất cập.
Rồi ông phân tích: “Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua nhiều ĐBQH cho rằng cơ quan thống kê cần đảm bảo tính độc lập khách quan trong hoạt động và thông tin thống kê, vì vậy không nên để cơ quan thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Nếu để như dự thảo là không hợp lý”.
Từ đó ông Cúc cho rằng nên để Tổng cục Thống kê thuộc Chính phủ. “Ngoài ra chuyên môn thống kê và kế hoạch khác xa nhau nên chung một Bộ quản lý là khó thống nhất” - theo ông Cúc.