Chính quyền phục vụ, liêm chính gắn liền với nghĩa vụ phải đáp ứng dịch vụ công bảo đảm chất lượng, kịp thời cho người dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, đóng thuế cho ngân sách để duy trì sự vận hành bộ máy của cả nền hành chính quốc gia. Việc tạo cơ chế để người dân chấm điểm cán bộ, công chức, xác định thước đo sự hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ, qua đó chi trả mức thu nhập phù hợp đối với cống hiến của từng “công bộc” đang là bài toán cần lời giải.
TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và cải thiện thu nhập cán bộ, công chức tương xứng với công sức đóng góp, chính quyền thành phố đang xem xét thực hiện chủ trương chi thu nhập tăng thêm trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập dựa theo chỉ số hài lòng của người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để lắng nghe dân nói, thu thập chính xác kết quả đánh giá của đại đa số nhân dân về chất lượng phục vụ của chính quyền? Thời gian qua tại TP HCM có nhiều nơi tỷ lệ người dân tham gia chấm điểm “công bộc” chỉ đạt 50 - 60% số người đến làm thủ tục. Trong khi đó, hình thức giải quyết hồ sơ cho người dân kèm theo đánh giá hài lòng ở các cơ quan, đơn vị vẫn mỗi nơi làm mỗi kiểu. Nhiều nơi đã xuất hiện những con số báo cáo kết quả rất đẹp, với tỷ lệ hài lòng của người dân đạt mức rất cao, lên đến 97 - 98% nhưng ít ai cho rằng, đã bảo đảm độ tin cậy, thực chất. Kết quả khảo sát của Ủy ban MTTQ TP HCM cho thấy người dân chưa có thói quen thực hiện quyền của mình được chấm điểm đối với cán bộ, công chức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Tại đô thị đông dân nhất nước như TP HCM, mỗi năm có khối lượng công việc phải giải quyết lên đến khoảng 14 triệu hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính. Như vậy, hàng năm có ít nhất hàng chục triệu lượt người phải được tạo điều kiện thực hiện quyền tham gia chấm điểm cán bộ, công chức mới phản ánh đầy đủ sự đánh giá của dân đối với chất lượng phục vụ của “công bộc”. Để xác định chính xác thước đo hài lòng, cần tuyên truyền khuyến khích 100% người dân khi làm thủ tục hành chính tham gia đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức.
Khả năng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thông tin trong việc xây dựng “chính quyền điện tử”, “chính quyền số” hiện nay đang mở ra cơ hội thuận lợi hơn cho người dân tham gia việc đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức. Thời gian qua, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm ghi nhận, đánh giá sự hài lòng của người dân tại một số quận, huyện. Dự kiến đến cuối năm 2019 này, từ 3 quận huyện và 9 phường xã thị trấn đang thí điểm, TP HCM sẽ nhân rộng mô hình “chính quyền số” với việc xây dựng các dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4, mô hình phòng họp không giấy trên địa bàn toàn thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi để TP HCM ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin nhằm không chỉ nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan, đơn vị mà còn bảo đảm tốt hơn việc thu nhận kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân một cách toàn diện.
Để xác định chính xác mức độ hài lòng của dân, cần kiện toàn, thống nhất cách thức thực hiện chấm điểm, với bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, để kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân được công bố tại các cơ quan, đơn vị ở chính quyền các cấp bảo đảm tính khách quan, xác thực, rất cần cơ chế phối hợp nhằm phát huy vai trò giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện đánh giá, chấm điểm càng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Đây cũng là cơ hội để mở rộng dân chủ, nhân dân thực thi quyền làm chủ trực tiếp của mình. Lắng nghe dân không thể là câu khẩu hiệu suông. Cán bộ, công chức sau khi lắng nghe dân, nếu còn mắc nhiều khiếm khuyết ắt phải tự chuyển biến tích cực. Công bộc sẽ phải biết sợ, lo lắng và không thể vô cảm khi dân không hài lòng. Bởi, sự hài lòng của người dân chỉ ra tính chính đáng hay không chính đáng đối với những “chiếc ghế” đang ngồi của mỗi một “công bộc” thụ hưởng thu nhập từ tiền thuế của người dân. Xử lý hữu hiệu “hậu lắng nghe” từ kết quả chấm điểm của người dân không chỉ tác động trực tiếp đến nguồn thu nhập mà còn luôn đặt cán bộ, công chức vào tư thế phải thực thi đúng đắn chức trách, nhiệm vụ cũng như thể hiện chuẩn mực văn hóa công vụ trước sự giám sát của nhân dân.