Sở Tư pháp TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp, UBND và Công an TP HCM... để báo động thông tin nhằm ngăn chặn giấy tờ giả do một văn phòng công chứng rởm thực hiện.
Tính tới thời điểm bị phát hiện, Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu (địa chỉ tại số 229 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) đã thực hiện được khoảng 600 vụ việc chứng thực bất hợp pháp. Như vậy, khả năng có khá nhiều các loại giấy tờ giả đã được chứng thực, nhiều giao dịch nhà đất bất hợp pháp, trái các quy định của pháp luật đã được thực hiện bởi văn phòng công chứng rởm này.
Cụ thể, các văn bản công chứng, chứng thực bản sao do Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu thực hiện sử dụng con dấu của Văn phòng Công chứng Quận 12 do Công chứng viên Nguyễn Thế Thành ký tên. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Tư pháp TP HCM xác định một số cá nhân đã có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng Công chứng quận 12 và Công chứng viên Nguyễn Thế Thành. Trên thực tế, công chứng viên Nguyễn Thế Thành không đăng ký hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn TP HCM. Do hành vi nêu trên có dấu hiệu tội phạm hình sự nên Sở Tư pháp TP HCM đã chuyển hồ sơ đến Công an quận 9 để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Với một văn phòng công chứng rởm thì việc phát hiện, xử lý là tương đối đơn giản, bởi các cơ quan chức năng nếu thực sự sâu sát thì chỉ cần làm động tác kiểm tra hành chính là những kẻ giả mạo đã lộ mặt. Song, thực tế xã hội còn khá nhiều lỗ hổng cho những hoạt động công chứng trái pháp luật tồn tại mà lại rất khó bị phát hiện. Đơn cử như cách đây gần một năm, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố Thạch Văn Lành - Trưởng Văn phòng Công chứng cộng sự, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lành đã câu kết với một phụ nữ thuê xe rồi làm giả hợp đồng ủy quyền từ các chủ xe sang người này và những người thân mang đi cầm, bán trục lợi.
Hay vụ việc một người dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đã bị lừa mua mảnh đất “ma” 400 triệu đồng với sự “giúp sức” của công chứng viên. Cụ thể, anh Tú Anh mua 1 mảnh đất hơn 200 m2 ở xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, Hà Nội với giá 400 triệu đồng. Người ký hợp đồng ủy quyền định đoạt, chuyển nhượng thửa đất giữa chủ sở hữu cho bà Lưu Thị Hoàng Mai là Công chứng viên Bùi Quang Dần (VPCC Hoàng Mai có trụ sở tại đường Giải Phóng, Hà Nội). Tuy nhiên trên thực tế chủ sử dụng mảnh đất chưa hề đến văn phòng công chứng ủy quyền hay làm thủ tục sang tên cho người khác. Ngay cả tên chủ đất trên hợp đồng ủy quyền cũng không đúng với tên chủ đất thực sự. Điều đó có nghĩa công chứng viên do thiếu trách nhiệm hay cố tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Lưu Thị Hoàng Mai.
Qua một vài ví dụ trên để thấy còn rất nhiều khoảng trống, kẽ hở trong các hoạt động công chứng, chứng thực tạo điều kiện cho một số người lợi dụng để trục lợi. Đã đến lúc Bộ Tư pháp, các sở tư pháp địa phương cần siết chặt quản lý.