Vở diễn là câu chuyện kể về một cuộc đấu tranh thầm lặng mà không kém phần gian khổ của những người dân Giao Chỉ không một tấc sắt trong tay nhằm đánh đổ ách nô dịch của nhà Đường, đòi lại nền quốc thống mà các Vua Hùng đã là người khai sơn lập quốc.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, vào 20h ngày 25/7, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), Đoàn Thanh niên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ VH, TT&DL, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng; Đoàn Thanh niên Báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Đoàn Thanh niên Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức thực hiện chương trình tri ân và công diễn vở cải lương “Linh khí trời Nam” phục vụ các gia đình Thương binh - Liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Một cảnh trong vở "Linh khí trời Nam".
Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với NSƯT Triệu Trung Kiên – Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - đạo diễn vở cải lương “Linh khí trời Nam”.
PV: Thưa ông, “Linh khí trời Nam” sẽ được công diễn như một lời tri ân đến các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng. Là đạo diễn của “Linh khí trời Nam”, ông muốn gửi tới khán giả thông điệp gì?
Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Nhân kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, việc đoàn thanh niên các đơn vị phối hợp tổ chức đợt hoạt động này là việc làm rất có ý nghĩa nhằm tri ân công lao của những người anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên.
Tuy “Linh khí trời Nam” không đề cập trực tiếp đến đề tài thương binh liệt sĩ, nhưng đó lại là vở diễn nói lên truyền thống đấu tranh quật cường của nhân dân Việt Nam trong lịch sử lâu dài chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc.
Vở diễn là câu chuyện kể về cuộc đấu tranh thầm lặng mà không kém phần gian khổ của những người dân Giao Chỉ không một tấc sắt trong tay nhằm đánh đổ ách nô dịch của Đế quốc Đại Đường, đòi lại nền quốc thống mà các Vua Hùng đã là người khai sơn lập quốc.
Nhờ sự đấu tranh kiên cường và mưu trí, mà âm mưu đen tối của Đường Hàm Thông đã hoàn thoàn thất bại. Lãnh thổ An Nam bảo toàn được linh khí. Để rồi vào năm Mậu Tuất - niên hiệu Tấn thiên phúc năm thứ hai, tức năm 938, với chiến thắng Bạch Đằng, nước Nam đã giành lại được quyền tự chủ.
Để sau đó các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và ngày nay là thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh đã nối tiếp nhau làm rạng ngời cho non nước Việt Nam.
Thông qua vở diễn, chúng tôi muốn gửi tới khán giả một thông điệp là từ hàng nghìn đời nay, nhân dân Việt Nam dù là những người dân hết sức bình dị, chỉ bằng sự kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn, cùng ý chí sắt đá mà họ đã bảo vệ được toàn vẹn lãnh hải, biên cương và nền độc lập dân tộc, để cho hôm nay, chúng ta có được một cuộc sống đẹp đẽ và phồn thịnh. Đây cũng là ý nghĩa của vở diễn.
Điều gì khiến anh đau đáu với cải lương?
- Quá trình làm nghề, bằng những tác phẩm của mình, tôi có may mắn được dư luận xã hội thừa nhận, được bạn bè đồng nghiệp cũng như khán giả quý mến.
Điều này thể hiện rằng, những nỗ lực của chúng tôi trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, dân tộc, bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng kể..
Chúng tôi hạnh phúc khi nhận thấy những việc mình làm là có ý nghĩa, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội..Vở diễn “Linh khí trời Nam”, mặc dù, đầu tiên chỉ là một tác phẩm tốt nghiệp đạo diễn của tôi, nhưng sau 10 năm, tác phẩm được giao cho Đoàn thanh niên Nhà hát khôi phục và trở thành một tiết mục được đoàn khối các cơ quan trung ương công nhận là hoạt động tiêu biểu năm 2016. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc.
Một cảnh trong vở "Linh khí trời Nam".
Cải lương và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung đang đứng trước nhiều thách thức. Làm sao để có khán giả. Là đạo diễn, nhà quản lý, ông có kế hoạch gì để công chúng yêu và thích xem loại hình nghệ thuật này hơn?
Chúng tôi vẫn đang làm điều đó thông qua tác phẩm của mình. Việc công chúng dần xa dời nghệ thuật truyền thống là một hiện tượng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nó còn diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đây là quy luật của đời sống xã hội mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Tùy từng trường hợp, tùy từng không gian mà mỗi người có thể có được cách hành xử khác nhau.
Như tôi chẳng hạn, tôi thấy cải lương rất hay. Về mặt thực tiễn thì có thể nó khó đáp ứng được thật nhiều những như cầu hưởng thụ của các tầng lớp xã hội lúc này, nhưng không phải vì thế mà nó không có được sự lung linh riêng, không có được giá trị riêng.
Chính vì thế mà tôi luôn theo đuổi và bằng những thử nghiệm nghệ thuật của mình, làm sáng lên những giá trị của nghệ thuật truyền thống trong đó có sân khấu cải lương , với mong muốn làm cho khán giả bớt đi những định kiến để có cái nhìn thấu đáo hơn đối với truyền thống của dân tộc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhân dịp này, Đoàn thanh niên các đơn vị sẽ Tổ chức dâng hương báo công, tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ đường Bắc Sơn, (quận Ba Đình, Hà Nội) vào sáng ngày 25-7. Trong khuôn khổ chương trình BTC sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng 100 suất quà cho các đối tượng thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách. Nguyễn Ngọc Thảnh – Ủy viên thường vụ Đoàn Bộ VHTTDL, Bí thư Đoàn cơ sở Nhà hát cải lương Việt Nam: Vở diễn “Linh khí trời Nam” là công trình thanh niên của nhà hát và của đoàn thanh niên Bộ VHTTDL và sau đó được công nhận là công trình thanh niên cấp đoàn khối các cơ quan Trung ương. Trong cuộc thi liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 2 do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Sở VHTTDL Hà Nội phối hợp tổ chức, vở diễn đã đạt 3 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cá nhân. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ việc các đơn vị chung tay tổ chức chương trình tri ân và công diễn là dịp để giới thiệu môn nghệ thuật truyền thống cải lương đến khán giả trẻ. Hy vọng với những tình cảm của những người trẻ chúng tôi sẽ khuyến khích các bạn trẻ hiện nay tìm hiểu và thêm yêu nghệ thuật truyền thống cải lương nói riêng và các môn nghệ truyền thống nói chung. Nghệ sĩ Quang Khải – Phó Trưởng đoàn I Nhà hát Cải lương Việt Nam: Mặc dù vở diễn có đề tài lịch sử xa xưa, nhưng qua đó như một lời nhắc nhở đến thế hệ con cháu hôm nay về lòng tự hào dân tộc, và ý thức bảo vệ chủ quyền. |