Người hâm mộ Hà Nội đã "đội mưa" đến xem buổi công diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi" tại Nhà hát Lớn.
Các khách mời tại buổi công diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi".
Tối 27/5, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” đã chính thức công diễn buổi đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là vở diễn chào mừng "Một thế kỷ sân khấu cải lương Việt Nam (1918-2018). Vở diễn với sự tham gia diễn xuất của 86 nghệ sĩ tài danh của cả 3 miền Bắc, Trung Nam, đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang...
Đặc biệt, vở kịch có sự góp mặt của các nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của cải lương như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh… đến những thế hệ trẻ như: NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…
Phân cảnh vua Hàm Nghi chuẩn bị đi đày sang châu Phi.
Tới dự buổi công diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi" có: ông Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, trưởng Ban Tổ chức TƯ; ông Hồ Đức Phớc - Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chung - Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TƯ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả kịch bản văn học tác phẩm "Thầy Ba Đợi" cùng diện lãnh đạo Ban, Ngành tại TP Hà Nội...
Xúc động với câu chuyện tình ngang trái
Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" mở đầu là câu chuyện vào năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp đày sang châu Phi. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại là người mang sứ mệnh của vua truyền trong việc giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế - hồn cốt của dân tộc. Trên đường bị lính Pháp truy đuổi vì ủng hộ phong trào Cần Vương, ông được Ái Hoa - con gái của tổng đốc Đại Phong - cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu dưới một danh xưng khác.
Nguyễn Quang Đại và Ái Hoa.
Mối tình của hai người chớm nở chưa được bao lâu đã phải chia xa. Thân phận của Quang Đại bị bại lộ, để bảo vệ người yêu, Ái Hoa đã chấp nhận về làm vợ công tử Hiến ngông cuồng, để rồi gánh chịu nỗi đắng cay, uất hận của kiếp hồng nhan.
Sau khi rời nhà tổng đốc Đại Phong, Quang Đại tiếp tục trở về Cần Đước, Long An và miệt mài với công việc truyền bá âm nhạc dân tộc, từng bước "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, sáng tác, cải biên, hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử.
Ông đã rất đau đớn khi được biết về cuộc sống tủi nhục của Ái Hoa sau khi lấy Công tử Hiến để cứu mình.
"Thầy Ba Đợi" là vở cải lương đầu tiên quy tụ khoảng hơn 60 nghệ sĩ của cả nước. Tưởng chừng sự kết hợp chất liệu từ các miền khác nhau của Tổ quốc sẽ tạo cảm giác khiên cưỡng cho vở diễn, nhưng có lẽ, chưa bao giờ khán giả lại cảm nhận được sự hoà quyện tuyệt vời, ăn ý của các anh em nghệ sĩ 3 miền Bắc - Trung - Nam như ở "Thầy Ba Đợi".
Quang Đại (lúc này là Thầy Ba Đợi) trở về Cần Đước và dạy nhạc cho trẻ em trong vùng.
Khán giả Nguyễn Thị Kim Oanh, cựu cán bộ trường THPT Kim Liên Hà Nội chia sẻ: "Trời Hà Nội tối nay mưa, nhưng cả khán phòng Nhà hát Lớn đều chật kín chỗ ngồi. Chúng tôi đều rất háo hức đến thưởng thức vở diễn. Và, rất lâu rồi tôi mới được theo dõi một vở cải lương xúc động và tuyệt vời như vậy".
Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên, một trong hai đạo diễn của “Thầy Ba Đợi” cho biết: "Khi chứng kiến các khán giả Thủ đô bất chấp "đội mưa" đến xem và ở lại cho đến phút cuối cùng khiến tôi rất xúc động. Tôi tin vở diễn đã phần nào chạm đến cảm xúc của công chúng, đặc biệt những khán giả yêu mến cải lương. Tôi hy vọng trong đêm diễn thứ hai sẽ thành công và hoàn chỉnh hơn".
Niềm trăn trở của bậc tiền nhân
Với kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được Soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, vở "Thầy Ba Đợi" được thực hiện không chỉ mang tính chất kỷ niệm 100 năm cải lương mà còn mong muốn công chúng biết đến và công nhận công lao của nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Ông đã có công lao to lớn trong việc "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế và mong muốn lưu truyền nghệ thuật này cho con cháu đời sau.
Vở diễn "Thầy Ba Đợi" một lần nữa làm rõ ý nghĩa tên gọi của môn nghệ thuật này - "Cải lương". "Cải lương" tức là Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Vở diễn đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc về âm nhạc đờn ca tài tử - cải lương và khiến khán giả biết đến một bậc thầy khai sáng nghệ thuật cải lương Việt Nam với một cuộc đời đầy nước mắt nhưng vô cùng đáng kính trọng.
Nhiều khán giả không kìm được nước mắt khi chứng kiến sự ra đi của Thầy Ba Đợi khi vẫn còn đau đáu với việc giữ gìn, lưu truyền âm nhạc truyền thống.
Trong thời buổi hiện nay với nhiều loại hình giải trí mới lạ xâm chiếm, nghệ thuật cải lương đang đứng trước một thách thức lớn. Nhưng đến khi xem "Thầy Ba Đợi" và chứng kiến dòng người háo hức đến xem và chìm đắm trong tiếng nhạc, giọng ca của các nghệ sĩ đã đem đến niềm hy vọng về sức sống của cải lương trong tương lai.
“Thầy Ba Đợi” ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm nghệ thuật Cải lương Việt Nam như một điểm sáng trong công cuộc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật Cải lương trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Buổi công diễn thứ 2 vở cải lương "Thầy Ba Đợi" tại Hà Nội sẽ diễn ra vào tối nay (28/5) tại Nhà hát Lớn.